Câu chuyện số một
Michael Harrison, 20 tuổi, đang học trường y và làm thêm ngoài giờ ở một tiệm Starbucks ở trung tâm thành phố St. Louis.
Trong ca làm, cửa hàng bị hai tên cướp cầm súng xông vào hét mọi người nằm xuống sàn. Chúng dí súng vào Harrison bắt mở máy tính tiền nhưng cậu không thể mở được vì không có code.
Chúng bắn cậu một phát sượt vào đầu. Một đồng nghiệp tin rằng khẩu súng là giả nên bắt đầu chống trả bọn cướp. Harrison lao vào giúp đỡ anh ta.
Harrison đã khuất phục được Joshua Noe, tên này ngay sau đó bị bắt. Kẻ tấn công còn lại, Marquise Porter-Doyle, đã bị bắt gần đó.
Các sĩ quan cảnh sát cảm ơn Harrison và đồng nghiệp vì sự dũng cảm của họ và truyền thông địa phương cũng khen ngợi
Nhưng...
Ngay sau đó Harrison bị Starbucks sa thải sau khi đền bù 2 tuần lương vì "vi phạm chính sách của công ty". (Thông thường nhân viên làm bán thời gian ở Mỹ được trả lương theo giờ thực làm, ngoài ra không có bất cứ chế độ gì như nhân viên chính thức).
Thông cáo của Starbucks cho biết: “Trong những tình huống như thế này, chương trình đào tạo và quy trình của chúng tôi hướng dẫn nhân viên buộc phải tuân thủ (kẻ cướp) và giảm căng thẳng, không chỉ vì sự an toàn của chính họ mà còn vì sự an toàn của tất cả mọi người trong cửa hàng”.
Câu chuyện số hai
Con trai một người bạn của mình, cháu ấy cũng là bạn học với con trai mình ở trường phổ thông khi con mình chưa đi đại học.
Cháu vừa học, vừa làm thêm ở một tiệm nước uống ở thành phố nhỏ bé này. Cháu làm ca đêm nên đến 11 giờ đêm mới về. Hôm nọ, tan ca, cháu đang trên đường đi bộ để ra trạm xe bus để đón xe về nhà thì cháu bị cướp giật túi xách. Bọn cướp cắt dây ba lô và kéo cháu một đoạn đường gây trầy sướt. Tuy nhiên, mọi người xung quanh không phản ứng kiểu xông ra để đuổi theo tên cướp mà ghi nhận hiện trường và báo cảnh sát, chờ cho cảnh sát đến để tường thuật lại.
Chừng năm phút thì cảnh sát đến, 30 phút sau thì cảnh sát bắt được tên cướp, lấy lại được cái túi xách trả lại cho cháu.
Câu chuyện số ba
Thằng bạn nằm viện ở đây, trong phòng nó có nhiều phục vụ, có người là y tá, nhân viên phục vụ… tổng cọng đến năm người. Tuy nhiên, mỗi lần ống truyền thuốc có vấn đề gì đó, kể cả hết thuốc, tắt ống, xoắn ống gì đó thì dù nhân viên phục vụ ở ngay tại đó nhưng họ cũng sẽ chạy đi gọi bác sĩ hay y tá chứ không bao giờ tự động xử lý dù có thể là họ biết.
Trẻ con ở đây và hình như ở rất nhiều các quốc gia phát triển khác, từ tiểu học, chúng được dạy rằng: Không được chống lại kẻ hung hãn có vũ khí; Không biết bơi ko được cứu người đang đuối nước; Không biết sơ cứu không được đụng vào người đang bị nạn… Việc đó đã có những người chuyên nghiệp như cảnh sát, nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế lo. Không ai được làm người hùng trong khi chưa được đào tạo để rồi gây hoạ. Những bài học đơn giản này tôi nghĩ đầu tiên là giữ an toàn cho chính mỗi người và sau đó là an toàn cho cộng đồng nhỏ xung quanh. Rất cần thiết.
Con tôi, dù các cháu đều học võ từ nhỏ và đạt những thành tích rất cao, luyện bơi cũng thuộc hàng khá tốt, các việc sơ cấp cứu chúng cũng được học ở trường… nhưng tôi luôn dặn chúng: Né các cuộc xung đột và gọi những người có phận sự chứ đừng làm anh hùng.
0 Comments