Theo lẽ thường nhiều người nghĩ đơn giản dạy là truyền thụ kiến thức, học là tiếp nhận kiến thức một chiều từ người truyền thụ. Không phủ nhận công lao của những người làm giáo dục nhưng thực sự những kiến thức ở nhà trường chỉ đơn giản là những thứ cơ bản, những kiến thức nền để từ đó con người ta dựa vào rồi phát triển lên. Nhưng những kiến thức này chỉ là cơ bản, những người giỏi, xuất sắc cũng chỉ là những người giỏi giải những thứ người đi trước đố lại đơn thuần, nó không giúp ích được nhiều cho đời sống.
Mình biết rất nhiều người học rất giỏi ở phổ thông và họ chỉ dừng lại ở đó, suốt ngày họ chỉ đi đọc và học những điều thật khó trong các sách vở ở nhà trường rồi đi đố người khác, đi thắc mắc với người khác. Ai không trả lời được họ sẽ bỉu môi chê “đồ dốt”. Nhưng cả cuộc đời họ chỉ dừng lại ở mức đó. Mình quen ông chú nọ hơn 70 rồi vẫn luôn kiểu đó trong khi cả cuộc đời của ổng nhà cửa không, thành tựu chẳng có, 2 đứa con thì cứ để tụi nó phát triển như cây cỏ rồi giờ về lại ăn bám nó và chửi đời chẳng trọng dụng người tài.
Muốn phát triển và thành công sau này, con người còn phải qua thêm các nấc thang khác của sự học. Đó là tự học những kiến thức khác ngoài những kiến thức nền cơ bản và tự học và tự phát triển bản thân mình biến những kiến thức đã học thành của mình và biến những kiến thức của mình tích luỹ đó phục vụ cuộc sống.
Sau khi học các kiến thức nền cơ bản thì cần thiết phải học thêm nhiều kiến thức từ các sách vở khác và từ chính ngoài xã hội nữa. Tuy nhiên bấy nhiêu vẫn chưa đủ, do hầu hết các kiến thức trong sách vở là cố định, bị động và hầu hết đã bắt đầu lỗi nhịp với cuộc sống khi các kiến thức đó được in vào sách. Chúng ta thường không thể áp dựng nguyên bản các kiến thức người khác vào mình để mà thành công được, vì thực chất mỗi con người là một thực thể khác nhau. Mà để ứng dụng tốt các kiến thức cần phải tư duy lại, biến đổi sao cho hợp lý với bản thân mình.
Đối với ai đó khi học xong các kiến thức cơ bản ở đại học (bao gồm cả thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam) rồi nghĩ là mình đã giỏi, là người tài cần được trọng dụng mà không chịu phát triển lên các nấc thang sau thì họ mãi chỉ là những học sinh hay sinh viên lớn tuổi mà thôi.
Đối với những ai học thêm thật nhiều kiến thức từ sách vở từ những người đi trước rồi cứ bám vào đó mà ứng dụng thì thật sự cũng chỉ làm những kiến thức chuyên môn đơn thuần. Thường những người này sẽ có thành tựu trong làm công ăn lương đơn giản.
Đỉnh cao của sự học là phải biến được kiến thức của người khác thành của chính mình. Tự nghiên cứu, ứng dụng và phát triển để rồi liên tục bổ sung vào các kiến thức đó của mình tạo nên một nền tảng độc lập thì mới có cơ hội có thành tựu trong đời sống này.
Đối với các xã hội văn minh, người ta phân hệ thống giáo dục của họ rất rõ ràng. Học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 8 chủ yếu chơi, đôi khi lồng vào các trò chơi là những kiến thức cơ bản, khi lồng vào như vậy sẽ được bọn trẻ nhớ rất lâu, họ không cần phải giải các bài toán khó những câu đố mẹo quá căng thẳng mà người lớn nghĩ ra để thể hiện mình giỏi mà thôi, vì họ quan niệm lứa tuổi này không cần áp lực quá lớn bởi nó chưa biết rõ được chính mình.
Bắt đầu giai đoạn lớp 8, 9 thì đã biết tụi trẻ có thể hiện khuynh hướng như thế nào mà bắt đầu phân chia con đường đi của chúng để chúng đi vào các trường phổ thông thích hợp. Vào phổ thông chúng sẽ phải tự học, tự phát triển bản thân của mình dựa trên nền tảng của chính những kiến thức hồi các lớp dưới đã được học và luôn ứng dụng vào thực tế cùng với các kiến thức mới mà thầy cô truyền thụ.
Học hết phổ thông thì phần nhiều bọn trẻ sẽ biết được con đường đi của nó như thế nào. Do không chỉ chúng đã có kiến thức tốt do đã tự suy nghĩ được cho tương lai của mình rồi mà các thầy cô cũng giúp tụi nhỏ định hướng cực kỳ tốt dựa trên các kiến thức thể hiện ở nhà trường. Sẽ phải ra đời bươn chải thì chúng sẽ vào các colleges để có kiến thức thực tế và đi làm ngay, đứa nào thiên hướng về nghiên cứu thì rẽ qua con đường vào các universities. Tất nhiên đã vào các universities thì việc tự học, tự nghiên cứu là tất yếu nên phần lớn những người đi theo con đường này phải tự thân rất cao.
Thực ra tư duy giáo dục hiện tại đang là rất khác nhau giữa Việt Nam và các nước phát triển như đã nói. Do đó, phần nhiều các sinh viên đi du học ở nước ngoài về thường sẽ bị sốc do không ứng dụng được các kiến thức họ học vào môi trường làm việc ở Việt Nam ngoài trừ làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia. Do đó thường những kiểu dùng người như trải thảm đón nhân tài của nhà nước Việt Nam là vô nghĩa. Đối với phụ huynh mong muốn cho con đi du học cũng nên hiểu rõ chỗ này. Đã đi thì nên đi luôn đừng nên trở về nữa, đừng nên lăn tăn chuyện đóng góp cho đất nước này nọ, đóng góp thì trên địa cầu này ở đâu mà chả đóng góp được. Còn đi rồi về làm ở những công ty nhà nước, các cơ quan hành chính nhà nước thì phần lớn là phí hoài (cả kiến thức, số tiền bỏ ra để du học và cả tuổi trẻ). Hãy để bọn trẻ ở đâu ứng dụng được các kiến thức nó học và có môi trường để nó phát triển.
Giáo dục Việt Nam muốn khá hơn, thì nhất thiết phải đổi mới. Hãy chọn tư duy giáo dục như người ta đã làm hàng trăm năm rồi chứ đừng bày trò lố lăn nhăn cụi nữa. Đừng để nguyên hệ thống giáo dục là những con buôn như hiện tại còn thua mấy bà hàng xén thì không thể nào khá lên được. Bỏ hết khẩu hiệu đi. Riết rồi khẩu hiệu nó ám vào cả phụ huynh như những đứa đầu óc không bình thường (ảnh).
0 Comments