Chuyện nghe kể của những nhân chứng lịch sử.
Sáng nay tình cờ đi uống cà phê cùng rất nhiều người Việt và người Việt gốc Hoa, những người đã rời Việt Nam sau biến cố 1975 lịch sử và đến định cư trên mảnh đất lạnh lẽo vào bật nhất thế giới này. Trong số những người uống cà phê này có một người quen biết mình từ hồi đầu khi mình mới đến. Tuy nhiên, do không nói chuyện nhiều nên không rõ lắm lai lịch của người ấy.
Sáng nay mới nói chuyện về nghề nghiệp vận tải biển của mình và phát hiện gia đình ông đã từng có một hãng tàu nội địa có tiếng những năm trước 1975, hãng tàu Xuân Hồng. Lúc đó, con tàu lớn nhất của họ tên Trường Xuân (trùng tên với một con tàu khác cực kỳ nổi tiếng của Ông Trần Đình Trường, công ty Vishipco Line) có tải trọng 5000DWT và vài con tàu nhỏ khác đã hoạt động khắp từ Trung vô Nam.
Năm 1975, hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền mới, gia đình ông dù đã lên tàu với đầy đủ lương thực, thực phẩm vẫn quyết định ở lại. Sau năm 1975, nhà nước mượn các tàu của gia đình ông để phục vụ công cuộc tái thiết đất nước. Và rồi, dần dần những tài sản này góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam thống nhất sau này. Gia đình ông, gồm tất cả cha mẹ, anh chị em lên một con tàu khác rời Việt Nam.
Chuyện về công ty vận tải biển lớn nhất miền Nam Việt Nam thời trước 1975.
Nói chuyện về vận tải biển Việt Nam thời trước năm 1975 mới biết thêm về ông Trần Đình Trường là chủ của Hãng tàu Vishipco Line nỗi tiếng ở miền Nam Việt Nam với 24 con tàu hoạt động vận tải khắp các nước thời bấy giờ.
Ông Trần Đình Trường sinh ngày 5 tháng 1 năm 1932 tại Kỳ Anh, một thị trấn bên kia vĩ tuyến 17. Cuối năm 1958 ông trốn vào Nam bằng cách bơi qua sông Bến Hải. Ông may mắn được vị linh mục bảo lãnh về làm tài xế cho mình, Linh Mục Khải, là linh mục riêng của TT Ngô Đình Diệm. Sau 2 năm lái xe cho Cha Khải, ông Trường vay tiền của người ơn của mình và bắt đầu công cuộc kinh doanh của mình bằng nghề buôn bán quân nhu, quân phục. Trong thời gian này, ông gặp và kết hôn với bà Nguyễn Kim Sang (vợ trước của ông là Ngu Thi và có 4 người con), hoa hậu Sài Gòn mới đăng quang. Họ cùng nhau xây dựng doanh nghiệp thành công.
Năm 1967, gia đình ông Trường đến Hiroshima, Nhật Bản mua con tàu chở hàng đầu tiên có tên là Soe-Maru sau đổi tên thành tàu Sao Mai. Những năm 1970, công ty Vishipco Line của họ là công ty vận tải biển lớn nhất Nam Việt Nam với đội tàu gồm 24 tàu.
Tháng 4 năm 1975, ông Trường lại một lần nữa rời bỏ quê hương. Không lâu sau khi đến Mỹ, ông Trường mua khách sạn Opera trên phố West 76 bằng số vàng mà gia đình ông đem theo khi rời Việt Nam. Toà nhà thứ 2 Carter ông mua toạ lạc tại Quảng trường thời đại vào năm 1977, với 25 tầng và 700 phòng ở Manhattan và khách sạn sang trọng Lafayette ở Buffalo, New York. Sau đó ông bành trướng công việc kinh doanh của mình với các tòa nhà lịch sử tại Thành phố New York, Buffalo, New York và khu vực Philadelphia. Ông có nhiều hoạt động thiện nguyện khắp nơi trên thế giới bao gồm cả Việt Nam quê hương ông, Mỹ nơi ông sống nửa sau của cuộc đời. Ông có tổng cộng ít nhất 16 người con với 5 phụ nữ khác nhau trong cuộc đời của mình.
Chuyện tiền gửi của doanh nghiệp Việt Nam thời Việt Nam cộng hoà sau khi chính phủ Chính phủ Việt Nam mới tiếp quản.
Số là hãng vận tải biển lớn nhất Miền Nam thời đó của ông Trần Đình Trường, Vishipco Line gửi tiền tại Chase Manhattan Bank, một ngân hàng có trụ sở ở Mỹ cùng với rất nhiều công ty vận tải biển khác. Sau biến cố 1975, chính quyền mới tịch thu tất cả các tài sản của các doanh nghiệp nước ngoài và quốc hữu hoá các doanh nghiệp tư nhân.
Năm 1981, ông Trần Đình Trường, được sự uỷ quyền của 9 công ty vận tải biển khác có gửi tiền tại Chase Manhattan Bank khởi kiện ngân hàng này tại toà án New York. Phiên sơ thẩm, toà án bác đơn kiện của ông Trường với lý do ông Trường không có giấy uỷ quyền hợp lệ do các công ty ông tuyên bố đại diện đã không còn và rằng các nguyên đơn là công ty không có tư cách để kiện vì tất cả các công ty đã bị chính quyền Việt Nam mới giải thể. Tòa án quận lưu ý rằng ngay cả khi các nguyên đơn có tư cách, họ cũng không thể đòi được từ Chase Manhattan Bank, vì chính quyền Việt Nam đã gánh chịu mọi khoản nợ của chi nhánh Sài Gòn của Chase. Tòa án quận cũng phán quyết rằng nếu các khoản nợ không được Việt Nam gánh chịu, Chase không phải chịu trách nhiệm vì không có yêu cầu thanh toán hợp lệ nào được thực hiện tại chi nhánh Sài Gòn của Chase. Vì Chase không có khả năng về mặt thực thể để trả cho các nguyên đơn từ tài sản của Chi nhánh Sài Gòn, nên nghĩa vụ trả tiền của Chase cũng được miễn trừ theo biện hộ về sự bất khả thi.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm liên bang số 2 đã nhất trí đảo ngược phán quyết của tòa án quận. Tòa án xác định rằng các giấy ủy quyền của ông Trường được xác định là hợp lệ. Tòa án cũng nhận thấy rằng việc Việt Nam tịch thu tài sản do nguyên đơn bỏ lại tại Việt Nam không phải là tịch thu tài sản ở bên ngoài Việt Nam cũng không phải là giải thể các công ty nguyên đơn. Sau khi chi nhánh Sài Gòn đóng cửa, các khoản tiền gửi ngân hàng đang được phát hành sẽ được thanh toán tại văn phòng chính của Chase tại New York; do đó, các khoản tiền gửi này về cơ bản được đặt tại New York, và không bị ảnh hưởng bởi việc Việt Nam tịch thu tài sản của nguyên đơn tại Việt Nam. Vì việc thanh toán có thể thực hiện được tại New York, nên biện hộ về sự bất khả thi được cho là không áp dụng. Một luật của tiểu bang New York hạn chế trách nhiệm của ngân hàng đối với tiền gửi ở nước ngoài được cho là chỉ áp dụng cho các ngân hàng hoạt động chỉ trong tiểu bang New York, chứ không áp dụng cho các ngân hàng quốc gia như Chase. Cuối cùng, tòa án đã chọn chuyển đổi đồng piastre (tiền thời Việt Nam cộng hoà) sang đô la theo tỷ giá hối đoái có hiệu lực tại thời điểm hợp đồng tiền gửi bị vi phạm. Vì đồng piastre không vô giá trị cho đến sau khi vi phạm, nên thiệt hại của nguyên đơn không là danh nghĩa.
Đây là một kỳ án cực kỳ nổi tiếng tại Mỹ và trong việc xét xử các vụ án về tiền tệ mỗi khi thay đổi các thể chế chính trị ở các nước. Các vụ xử khác tương tự có liên quan từ Cuba, Guatemala, Nga… sau này cũng đều có link với án lệ này.
La Quang Trí,
Từ Canada 30/7/2024
0 Comments