Hot Posts

6/recent/ticker-posts

Tôi và Đạo Phật

Thuở nhỏ tôi thường theo ba và ông nội lên chùa. Cả nhà tôi hai bên đều là người theo Phật. Ông nội tôi là người uy tín trong chùa. Các việc Phật sự ở chùa thường là có sự tham gia của Ông nội tôi. Phía Ông Ngoại tôi cũng vậy, ông ngoại cũng thân thiết với thầy trụ trị chùa gần nhà.

Sau này ba tôi cũng vậy, những việc liên quan tới chùa ba tôi đều tham gia. Đó là lý do tôi cũng hay theo ba lên chùa để mở các bài giảng pháp cho Phật tử nghe. Hồi đó có lẻ nhà tôi là một trong những nhà hiếm hoi ở quê có cassette.
Hồi đó tôi chẳng hiểu gì về Phật giáo đâu. Cứ đi chùa rồi nó ngấm dần một số tư tưởng một cách tự nhiên đó là những lẻ sống, những cư xử ở đời. Điều này làm cho tôi lành hơn lúc nào không biết. Tôi hồi chừng 12, 13 tuổi biết run rẩy khi lỡ lấy trộm cái đèn xe đạp mà mình quá thích để rồi sám hối cho đến tận bây giờ. Tôi cũng từng xách mấy nhánh tre gai định cào nát đám ruộng gần nhà đang lúc lúa chín bởi vì chủ đám ruộng đó bỏ thuốc làm chết sạch hết nguyên đàn gà mấy chục con của nhà tôi, nhưng khi cầm mấy nhánh gai trên tay đứng trên bờ ruộng tôi chợt dừng lại. Tôi sau này biết những việc nên làm khi tự kinh doanh để kiếm tiền. Tôi phân biệt loại tiền nào cần kiếm và loại nào thì không nên lấy cũng nhờ những lần đi với ba tôi lên chùa. Có những điều ba tôi nói, có những sự việc tôi tự nghe người lớn ở chùa nói mà tôi ngấm dần.
Cũng hồi đó tôi chứng kiến thầy trụ trì ngôi chùa gần nhà tôi hoàn tục sau nhiều lần cô phật tử gần nhà cứ lên giếng nước của chùa tắm vào mỗi đêm trăng sáng vì nhà cô không có giếng nước. Tôi cũng nghe thầy trụ trì ngôi chùa khác khá thân thiết với gia đình tôi bảo với tôi rằng tôi có ba má tôi giỏi làm mà nuôi tôi ăn học còn thầy có cái mỏ mà nuôi được thằng cháu ăn học nên người. Thực sự, thầy đi nhiều đám để tụng kinh, bỏ rất nhiều công sức ra để có được những đồng tiền mồ hôi nước mắt để xây dựng ngôi chùa khang trang cho Phật tử ở quê đến viếng và nuôi thằng cháu ăn học.
Tôi vẫn chưa hiểu gì về Đạo Phật cho đến khi đi học đại học. Ngày đó tôi dạy kèm tiếng Anh cho một cô giáo sư Pháp ngữ. Tôi dạy cô tiếng Anh, cô dạy tôi tiếng Pháp. Cô hồi đó cũng xấp xỉ 60 rồi. Tôi hồi đó học tiếng Pháp từ cô đủ để theo cô làm phiên dịch cho một số khách du lịch đến thành phố xinh đẹp đó. Tiếc là sau này vì cơm áo gạo tiền nên tôi quen bén hết, giờ chỉ nhớ vài ba chữ để khè mấy đứa con thôi. Nhưng cái được lớn nhất của thời gian này là lúc tôi sắp ra trường, cô tặng tôi một cuốn sách của Thầy Thích Nhất Hạnh. Tôi về đọc, vỡ lẽ ra nhiều hiểu biết của mình về Đạo Phật hãy còn chưa đúng. Cũng thời gian này, tôi biết một cô giáo cũng lớn tuổi hay nói về Phật pháp nhưng thường hay rủ rê mấy thằng bạn sinh viên của tôi về phòng của cô tâm sự, vì cô ở một mình.
Sau này ra trường, tôi đi công tác ở miền Tây. Tôi chứng kiến sư thầy gần chỗ tôi ở tối tối đi nhậu với đám giang hồ ở đó. Thi thoảng đi chơi ở cái quán cà phê đèn mờ với mấy thằng bạn từ Thụy sĩ, Na Uy và Philippines, tôi cũng gặp sư thầy ở đó. Thầy nói về các em ở quán đó còn rành hơn tụi tôi.
Thời điểm này tôi bắt đầu biết phân biệt Phật giáo Nam và Bắc tông. Bởi tôi gặp rất nhiều sư thầy sáng vẫn đi ăn ở các quán phở, bún, cơm tấm bình thường như nhiều người khác và không ai lấy làm lạ về điều đó. Đây là điều không hề có ở quê tôi. Tôi cũng biết về các sư khất thực ở giai đoạn này. Sau này ở Châu Đốc hay núi Sạn tôi bắt gặp những tu sĩ thực hành nhiều hơn. Họ ở trong hang trong hốc núi chứ không có chùa to. Nên tôi không lạ gì những sư thầy như thầy đang đi bộ Bắc Nam nổi tiếng rần rần.
Có một lần đi xe từ Vũng Tàu về Sài Gòn giữa đêm khuya, gặp một sư thầy còn rất trẻ đang đi bộ, tôi bảo lái xe dừng lại cho thầy đi nhờ. Trên xe, sư thầy luyên thiêng là Đại Đức ở một ngôi chùa và thầy kể chuyện thầy đấu đá như thế nào để được là Đại Đức trụ trì chùa đó. Tôi nghe như người ta kể chuyện hài.
Sau này về Sài Gòn định cư luôn tôi cũng hay đi chùa, một ngôi chùa rất nhỏ gần nhà. Chùa đó làm được rất nhiều điều cho những người nghèo khó, các cháu bé lang thang. Chùa đó được trụ trì bởi một vị sư cô, sư có người con lại ít học và chơi bời lêu lỏng hay đàn đúm và nhậu nhẹt. Giờ sư cô già yếu và không còn sức trông coi nữa, người con đó lại tiếp bước cô trông coi ngôi chùa đó. Chỉ hơi tiếc sư thầy đó lại chẳng hiểu mấy về Phật Giáo.
Tôi đi ra Bắc thường cố gắng dành thời gian thăm viếng các chùa. Tôi đi rất nhiều chùa và tôi phát hiện ra rằng các chùa ngoài Bắc người ta thường tâm linh hơn các chùa trong Nam. Người ta thường đến chùa cầu xin, trong Nam người ta đến chùa để thăm viếng và an lạc hơn. Ngoài Bắc người ta biến chùa chiềng, Phật và Đạo Phật như là thần thánh hơn là một triết lý sống tốt đẹp. Các chùa ngoài Bắc người ta hối lộ Phật hơn trong Nam, người ta nhét đầy người các tượng Phật, thậm chí nhét luôn cả vào miệng Phật đầy tiền. Đó là lý do các chùa ở ngoài Bắc thường to đẹp hơn, bởi các nhà kinh doanh nhìn thấy ở đây có những nguồn thu cực lớn. Tôi từng chứng kiến vài người đi chùa ở một ngôi chùa rất lớn rất nổi tiếng ngoài Bắc cầm theo mấy cái bao nhỏ, canh vắng người lại hốt một mớ tiền trên các tượng Phật cho vào bao rồi nhét trong người.
Người ta biến Phật thành thần cũng phải thôi, đã có thời gian quá lâu theo chủ nghĩa vô thần. Con người ta khao khát chỗ dựa tinh thần của mình, lại bị biến dạng bởi các tuyên truyền không đúng đắn nên người ta giống kiểu chẳng biết tin vào đâu, cứ thấy giống giống là bám víu lấy và coi đó là thần thánh của họ.
Tôi từng đến viếng khá nhiều chùa ở Cambodia, Laos, Thailand, Myanmar, Taiwan và có đọc về một số chùa ở Nhật, Hàn tôi bắt gặp ở đó cả những điều tốt và không tốt về Đạo Phật. Ở Canada tôi may mắn gặp gỡ sư thầy mà hiện tại người ta đang gọi ông là bậc chân tu. Tuy nhiên, cũng ở đây tôi gặp và tiếp chuyện một vị sư thầy khác từ Việt Nam qua chỉ chăm chăm hỏi Phật tử ở Canada sẽ cúng dường cho chùa của thầy bao nhiêu?
Tôi cứ tiếp cận Phật Giáo như vậy trong mỗi giai đoạn của cuộc đời. Một bên là triết lý sống minh triết mà tôi tâm đắc. Một bên là sự thực hành triết lý đó một cách quái dị, quái thai. Nhưng tôi vẫn giữ cho mình niềm tin vào triết lý mà tôi cho là đúng đắn. Đôi khi nâng đỡ tâm hồn tôi mỗi khi chới với trong cuộc đời. Nhưng tôi không sùng tín.
Tôi không phải là nhà tu hành, tôi cũng không thực hành giữ giới nọ kia, ai làm được tôi rất phục miễn là đừng giả dối. Tôi sống cuộc đời bình thường của một con người bình thường nhất, làm công việc của mình yêu thích một cách tốt nhất có thể. Không thích thị phi, không đua chen lấy cho bằng được những thứ không phải của mình. Thấy cái gì có thể trong khả năng của mình thì tôi sẽ giúp đỡ không kể người đó là ai.
Tôi thấy rằng khi ai đó, thứ gì đó được tạo ra trên cuộc đời này là có nguyên do của nó. Các hoàn cảnh mà con người ta gặp phải trên đời đều là nhân duyên và bắt buộc phải đối mặt với nó. Tôi không thích kiểu nhiều người giả dối ăn chay nhưng lại thèm đồ mặn và mỗi khi có cơ hội là ăn lấy được. Tôi không thích các món chay có tên mặn lắm.
Tôi cứ tự nhiên sống tốt nhất có thể trong giới hạn hiểu biết của mình. Tôi hiểu nhiều thứ nhưng tôi biết đời này tôi vẫn mê tửu, sắc, mê danh và đặc biệt là vẫn mê tiền nên cứ kệ, tới đâu hay tới đó.

Post a Comment

0 Comments