Hot Posts

6/recent/ticker-posts

Từ Holcim, Insee nói chuyện đầu tư nước ngoài

Năm 1998, lần đầu mình đi Kiên Giang để làm việc cho dự án nhà máy xi măng Holcim Kiên Giang. Lần đầu tụi mình làm cho một dự án khá lớn và được cho là trọng điểm của công ty mình nên mọi người trong công ty đều hết mình. Riêng mình thì còn trẻ, độc thân nên xông xáo đi công tác miết. Hơn nữa con gái Kiên Giang không những xinh đẹp mà còn hiếu khách nên cứ kéo chân mình đến đó. Có năm mình ở Kiên Giang đến hơn 5,6 tháng.



Cũng chính vì ở nhiều, tham gia nhiều vào các công tác không chỉ chuyên ngành mà hoà nhập với cuộc sống cùng người dân, những người là chuyên gia của công ty Holcim được gửi từ nước ngoài qua làm việc cho nhà máy. Họ ở tập trung thành một cái làng nhỏ toàn những chuyên gia và gia đình họ ở đó nên mình cũng cũng hiểu kha khá về nhiều chuyện của công ty. Sau này, làm việc với nhiều công ty khác nữa mình thấy họ cũng na ná nhau.

Hồi những năm đầu thành lập ở Kiên Giang đó, Holcim đi đâu cũng quảng bá rằng họ đầu tư dài hạn, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Các quan chức địa phương, hồi đó từ tỉnh trở xuống rất hay làm việc với mình, tự hào lắm về việc có doanh nghiệp lớn khủng về đầu tư vào vùng đất cực đẹp nhưng lại nghèo khó của vùng cực nam đất nước này. Cả doanh nghiệp và những quan chức thời ấy tự hào rằng tỉnh sẽ giàu đẹp vì người dân có công ăn chuyện làm, sản phẩm của địa phương sẽ được bán đi khắp các tỉnh thành và cả nước ngoài, làm giàu cho địa phương.

Một thời gian dài đằng đẳng mình làm việc ở đó mình chứng kiến những hòn núi bị vạt xuống không thương tiếc. Không khí, tất nhiên không chỉ Holcim mà còn những nhà máy khác nữa, bị ô nhiễm trầm trọng dù khu vực đó vốn trước kia là khu du lịch với không khí cực kỳ trong lành bởi được bao bọc bởi những bờ biển tuyệt đẹp. Tuy hoang sơ nhưng Khu vực Hà Tiên, Kiên Lương là một trong những khu vực đẹp hàng bậc nhất thắng cảnh ở miền nam. Những năm ở đó, mình cố tình chụp lại một số hình ảnh các ngon núi để lưu lại, rất tiếc qua năm tháng bị mất.

Nhưng, sau khi hoạt động được một thời gian thì Holcim bắt đầu giảm dần những động tác phụ thuộc ở Việt Nam. Đó là những phương tiện, máy móc cơ khí sử dụng cho nhà máy như ban đầu là họ mua sắm, sau dần bán hết và chuyển qua thuê. Không chỉ máy móc, những chiếc xe đưa đón nhân viên, khách khứa họ cũng thuê. Rồi những dàn máy tính để làm việc, tất cả đều thuê toàn bộ. Họ rất khôn ở chỗ chuyển hết những gói thầu cho thuê ra cho nhân viên, người nhà nhân viên, đối tác của công ty… mà họ không phải tốn kém tiền đầu tư nữa. Đến lúc mình rời đi, khoảng cuối năm 2005 thì hầu như họ không còn sở hữu các đội xe, các phương tiện từ phương tiện cơ khí lớn cho đến những dàn máy tính ở văn phòng làm việc đều không thuộc sở hữu của họ nữa. Holcim lúc đó chỉ còn là cái xác nhà máy và những quả núi với hợp đồng khai thác lâu dài đến 50 năm với Chính phủ Việt Nam.

Một điều rất hay nữa là họ áp dụng chính sách người Việt trị người Việt cực kỳ hiệu quả trong công ty. Họ bồi dưỡng cho một số nhân vật nào đó và mấy anh đó đàm phán với giàn nhân viên ở dưới cực kỳ là hiệu quả, tiết kiệm rất nhiều tài chính cho công ty, cả trong nội bộ cũng như việc sử dụng các nhà thầu bên ngoài. Nhưng họ giỏi Lobby cực kỳ, thời đó họ còn nhận cô công chúa của Việt Nam vào để làm tài chính nữa mà. Chỉ cần có trục trặc gì ở các cấp dưới, ngay lập tức họ có thư, có những kêu ca lên cấp rất cao và họ được giải quyết rất nhanh chóng.

Có những đợt mấy anh bạn thân thiết giữ các chức vụ cũng ôn ổn bên đó bảo chắc phải đi thôi. Ở đây thấy nhiều điều bất ổn quá. Lương không cao vì họ là công ty lớn nên ai cũng khoái vào đó, danh sách dài đằng đẳng, vào rồi mới thấy đời không như là mơ. Mấy ảnh cũng thấy được rằng làm thì phải nghe sếp o ép cấp dưới của mình thấy bất ổn lắm. Rồi mấy ảnh thấy thực sự công ty chỉ là cái xác, đến mỗi kỳ lương đều phải trả từ nước ngoài vào chứ họ còn không để tiền ở Việt Nam. Sau này làm ở các công ty khác trong và ngoài nước mình cũng nhận thấy đó là các chiêu tận dụng kêu gọi đầu tư của các nước nghèo đều như vậy cả. Họ tạo cho một ít công ăn việc làm, tạo GDP thêm lên rồi lấy tiền biến mất, để lại ngổn ngang cho người ở lại.

Sau khi lập gia đình ở tuổi 30 thì 1 năm sau mình không làm ở đó nữa vào cuối năm 2005. Từ đó về sau mình không còn biết nhiều về nội bộ bên đó nữa. Song khi tham gia làm việc với nhiều các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mình mới thấy được những chiêu thức của họ và chính sách đổi đất lấy công ăn việc làm, đổi tài nguyên lấy GDP là cực kỳ thiệt thòi cho nhiều người dân các thế hệ của Việt Nam. Không chỉ hiện tại mà hệ luỵ của nó kéo dài rất lâu trong tương lai. Cuối năm 2005, trước khi rời đi, xách xe máy dạo quanh các ngọn núi mình thấy tan nát hết. Tự hỏi, không biết rồi họ khai thác hết 50 năm thay vì gọi là Ba Hòn chắc sẽ thành Ba Vũng hoặc Ba Hồ gì đó.

Họ sử dụng cái xác đó với hợp đồng thuê đất 50 năm đó, cọng với giàn nhân lực hoàn toàn có thể sai khiến được, khai thác thêm tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam cho đến năm 2017. Năm 2017, Insee đàm phán mua lại Holcim và từ đó, tập đoàn Thuỵ Sĩ đã kiếm bộn tiền sau những năm đầu tư làm ăn cực kỳ hiệu quả ở Việt Nam. Tiếp theo nguồn tài nguyên trong lòng đất của Việt Nam chịu sự quản lý của những người hàng xóm bên cạnh mình.

Mình có dịp làm việc với các doanh nghiệp sản xuất và thương mại hàng đầu Thailand và nhận thấy họ cũng không khác gì mấy so với những ông lớn khác trên thế giới như Holcim đã nói ở trên. Thực chất chỉ là dùng người địa phương quản người địa phương, lấy tiền về cho chính quốc. Thực ra tất cả vì tiền thôi. Nếu công ty mình lớn mạnh cỡ đó mình cũng sẽ áp dụng các chiêu thức đó trong đầu tư thôi. Tội gì không làm để kiếm tiền cơ chứ? Chỉ tiếc là mình bé mọn quá, sức khoẻ, trình độ, tài chính đều bé tí nên biết vậy mà cũng chẳng làm gì được.

Hiện tại theo thông tin ngoài lề thì Insee lại đang tiếp tục đàm phán để bán lại nhà máy cho bên nào đó. Thì phải vậy thôi. Họ kéo đến, dày xéo mình một thời gian. Kiếm được một số tiền nào đó thì phải đi chứ. Ai đầu tư mà không mong kiếm tiền? Chỉ có những người nghèo khó, những đất nước nghèo khó luôn bị lợi dụng mà thôi.

La Quang Trí 

Post a Comment

0 Comments