Hôm qua ngồi tâm sự với cô bạn gần 2 giờ đồng hồ về chuyện con cái. Mình nói cổ là mấy nhỏ nhà mình nó chẳng thèm đả động gì đến chuyện kinh doanh của ba. Cô ấy bảo ông phải hướng nó, làm cho nó thấm, làm cho yêu cái việc kinh doanh mới được. Con cổ đứa 25 đứa 20 trước giờ không đứa nào quan tâm đến chuyện kinh doanh của cổ, nhưng rồi mưa dầm thấm lâu cọng với việc cho tụi nó ra ngoài kiếm tiền rồi thì nó mới thấy tiền quan trọng, rồi dần dần nó cũng mê dần. Giờ thì tụi nó muốn tiếp quản sự nghiệp kinh doanh của gia đình cô ấy.
Ở nhiều nước, khi mà xã hội nó phát triển đến độ nào đó thì người ta phân luồng giáo dục ngay từ rất nhỏ. Do họ có các cơ cấu về xã hội và các chế độ chính sách cho người dân khá là ổn nên thường con người ta sinh ra chỉ cần đi làm, có công việc ổn ổn là họ yên tâm sống. Họ không cần phải cố gắng quá nhiều để kiếm thật nhiều tiền. Mà đối với họ thưởng thức cuộc sống mới đáng giá hơn chuyện kiếm tiền, để dành rồi để lại cho con cái đời sau nữa. Chỉ một bộ phận rất nhỏ được quan tâm, phân luồng và bồi dưỡng để thành những nhân tài. Con số này khá ít họ sẽ trở thành tầng lớp đẳng cấp dẫn dắt xã hội. Tất nhiên những người này không phải là thạc sĩ hay tiến sĩ đâu. Họ thường là những doanh nhân, hay các nhà chính trị. Họ có thể có bất kỳ bằng cấp gì nhưng phải là người dẫn dắt xã hội. Do đó, rất dễ thấy được khi là doanh nhân họ thường là những doanh nhân cực lớn. Họ cũng có thể là nhà chính trị chuyên nghiệp đại tài.
Ở các nước nghèo hơn thì người ta tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người. Đặc biệt những người có xuất phát điểm thấp hơn được tôn trọng hơn. Chẳng hạn lý lịch ba đời bần cố nông sẽ có con đường thăng tiến rất tốt. Các sinh viên con nhà nghèo học giỏi luôn được khuyến khích hơn và hay rao giảng nhiều trên các báo chí cho nên thường cứ ai khá khá lên là bị những người phía sau kéo lùi xuống. Ai cũng muốn mình phải hơn người khác. Quá trình học hỏi để trở thành tầng lớp dẫn dắt xã hội là cả một quá trình tích luỹ hàng nhiều đời nhiều năm chứ ít khi là ngắn hạn được. Đó cũng là lý do những đất nước này ít tạo ra những người dẫn dắt xuất sắc. Do đó, những doanh nhân xuất sắc, những nhà chính trị đại tài ít khi xuất hiện ở đây. Mà chỉ đôi khi lắm mới xuất hiện một người ngay lập tức người đó trở thành thần tượng, thành thần thánh ngay. Mà khi những người đó được phong thánh thì tất nhiên số còn lại thành bề tôi trung thành. Đến lúc chán thần thánh họ lại lật đổ và dựng nên những thành thánh khác.
Ngẫm đi ngẫm lại. Mình vốn là nông dân nước nghèo, may mắn ra đời không phải cuốc nữa và trở thành một người đủ sống dặc dẹo nên mình cũng chỉ muốn con cái mình sống ổn, sống tốt là được. Chuyện nó có vươn lên được thêm chút nào đó từ nền tảng là sự cố gắng của mình là do khả năng của nó. Mình cũng có nói về chuyện mình kinh doanh, giải thích về sự quan trọng của đồng tiền, hay bàn bạc với tụi nó về cách sống ở đời. Tuy nhiên, chẳng biết có ảnh hưởng gì tới nó không? Có thể tới một lúc nào đó tụi nó lại thích thì tốt, không thì cứ con đường nó đã chọn mà đi thôi. cuộc sống nhẹ nhàng cũng tốt mà.
0 Comments