Thử phân tích một cách công tâm nhất con đường xuất khẩu của một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam ra trường quốc tế như dưới đây.
Cổ phiếu rớt giá
Vài ngày nay, cổ phiếu Vinfast sau một hồi ồn ào lên sàn với những chiêu trò đình đám thì bắt đầu âm thầm lặn. Một thời gian nữa âm thầm biến mất khỏi thị trường cũng không phải là điều quá ngạc nhiên đối với giới kinh doanh quốc tế và những người am hiểu. Thị trường quốc tế vốn như vậy, phải mạnh thực sự thì mới có thể tồn tại. Cái thị trường hàng trăm năm tồn tại rồi nó khác với những nơi mà bất cứ ai có một ít tiền cũng có thể thâu túng giá được. Hệ thống pháp luật của nó cũng đã kinh qua hàng trăm năm kinh nghiệm nên rất khó để mà lách, mà luồng, mà tung chiêu trò...
Và sự việc như mấy ngày nay đã xảy ra đó là sau khi cổ phiếu tăng trên trời với hàng loạt các bài ca bất hủ về anh hùng sắp chinh phục cả vũ trụ thì giờ đây đang giảm thê thảm.
Phải nói cho rõ ràng là hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện tại chưa thể giúp ích gì cho các doanh nghiệp Việt có thể đầu tư ra thị trường quốc tế. Thậm chí đến một doanh nghiệp thân hữu như Vinfast cũng phải đi bằng những con đường có thể gọi là chưa được quan minh lắm (đi vòng bằng cách thành lập doanh nghiệp ở nước khác và kết hợp với doanh nghiệp ở nước khác) mới có thể tiếp cận được ra các sàn giao dịch chứng khoán đẳng cấp trên thế giới. Đây là điểm rất thiệt thòi của các doanh nghiệp Việt Nam. Hệ thống quản lý doanh nghiệp, ngân hàng, hải quan… cần phải xem lại mình thì mới có thể gọi là giúp đỡ doanh nghiệp của mình ra nước ngoài làm ăn nuôi sống nền kinh tế.
Tổng quan về Vinfast
Vinfast, một hãng xe Việt Nam chưa có tên tuổi trong làng sản xuất xe hơi trên thế giới. Một công ty con của một tập đoàn bất động sản ít nhiều là thân hữu của các nhà chính trị trong nước. Một thương hiệu mới hoàn toàn dù chỉ là tận dụng lại những thứ của người khác đã làm rồi đem về lắp ráp lại thôi. Nói rõ ra là thương hiệu thì Việt Nam, nhưng ruột thì lắp ráp từ Trung Quốc và một phần nhỏ từ các nước khác như rất nhiều các thương hiệu khác ở Việt Nam và thế giới đang làm.
Tuy nhiên, nếu như các doanh nghiệp trên thế giới cũng sử dụng công xưởng thế giới để giảm chi phí giá thành sản phẩm nhưng họ áp dụng triệt để các tiêu chuẩn của chính tại đất nước của họ nên thực sự các sản phẩm dù được sản xuất tại Trung Quốc nhưng chất lượng không cách quá xa các sản phẩm được sản xuất tại đất nước họ. Thì ở đây, thường do các tiêu chuẩn của Việt Nam chưa tiếp cận với thế giới nên các sản phẩm hiện phần nhiều đang ở dưới mức tiêu chuẩn thế giới. Hơn nữa, việc quản lý, giám sát ở các doanh nghiệp Việt thường hời hợt và mang tính cảm tính nhiều hơn nên các sản phẩm sẽ rất khó đảm bảo chất lượng như nhiều thương hiệu quốc tế khác.
Sản xuất xe hơi, là ngành công nghiệp nặng và công nghệ cao không dành cho những tay mơ. Nhất là xe điện, một loại sản phẩm công nghệ công nghệ rất cao. Do đó, để len lõi vào ngành này đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều về vốn, về công nghệ và về trí tuệ để quản lý, vận hành và để bán hàng.
Vì sao không bán được ở thị trường nước ngoài?
Muốn bán được ở thị trường nước ngoài thì bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải hiểu phong tục tập quán của người bản địa. Đó là lý do cũng có rất nhiều doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài cũng khó mà tồn tại do họ chưa hiểu nhiều về nơi mình sống, phần lớn cũng chỉ mở ra rồi chết. Không có quá nhiều doanh nghiệp của người Việt mới qua tồn tại lâu dài được. Nếu có thì hầu hết là của những người đã di cư từ trước những năm 90, 80 trở về trước. Còn các doanh nghiệp từ Việt Nam để xâm nhập thị trường quốc tế là khá khó khăn nếu không nói là lực bất tòng tâm.
Thực tế các lô hàng của Vinfast đang rầm rộ chở đến thị trường các nước trong thời gian vừa qua vẫn chưa thể đưa ra thị trường được bởi rất nhiều rào cản từ các nước sở tại mà một doanh nghiệp Việt chân ướt chân ráo không và chưa thể hiểu hết được một sớm một chiều. Hơn hai ngàn chiếc xe qua Mỹ chỉ có vài chiếc được đăng ký cho đến thời điểm này.
Muốn bán được cho thị trường quốc tế hàng hoá nào của các doanh nghiệp Việt cũng cần phải có cộng đồng người Việt ở đó ủng hộ. Một khi họ ủng hộ rồi thì mới có thể dần dần chinh phục được từ từ các công đồng khác, bởi họ tận mắt thấy hay, thấy tốt, thấy ngon thì mới bỏ tiền ra mua. Không ai có dại gì bỏ tiền, nhất là một khoản tiền lớn, để mua một sản phẩm công nghệ của một đất nước có nền công nghệ kém hơn mình. Đó là tâm lý tự nhiên của con người.
Người Việt, vốn tình cảm dù ở đâu thì cái gen của họ cũng là vậy rồi, nên thường có cảm giác muốn ủng hộ những gì thuộc về Việt Nam. Sẽ là rất tốt nếu các doanh nghiệp Việt Nam không để lòi đuôi cái sự thân hữu của mình thì chắc chắn cộng đồng người Việt ở nước ngoài sẽ ủng hộ và họ thậm chí sẽ bỏ qua những điểm còn chưa được tốt để thử ủng hộ những gì mà họ cho là thân thuộc.
Tuy nhiên, cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới vốn đã và đang rất chia rẽ, do lịch sử để lại, do sự đối xử chưa bình đẳng kể cả trong thời điểm hiện nay nên việc tiếp cận được cả hai phía trong cộng đồng này là không đơn giản. Thậm chí như Vinfast đang tiếp cận thị trường bằng cách của một kẻ oai hùng đi chinh phục và được sự ủng hộ tuyệt đối của các nhóm dư luận viên trên mạng mà người ta hay gọi là "bò đỏ” một đội quân trong nước khá hạn chế về trí tuệ đang hàng ngày khích bát, chửi rủa phía bên kia. Sự việc này chắc chắn làm tổn thương không ít trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại và chắc chắn họ chỉ thêm ghét mà thôi. Mà cộng đồng những người Việt đã sống lâu tại nước ngoài này mới là những người có nhiều tiền, có khả năng mua được các sản phẩm đắt tiền như một chiếc xe hơi.
Còn những người mới qua, những người có nhiều tiền bạc, những doanh nhân giàu có, thậm chí cả những người có nhiều tiền tham nhũng đem qua thì chắc chắn họ sẽ trải nghiệm những siêu xe hàng khủng của thế giới chứ cũng hiếm khi đi ủng hộ những thương hiệu mới nổi và chưa biết chất lượng thực sự như thế nào. Trong khi đó ngay tại thị trường trong nước chất lượng của sản phẩm cũng đang là điều đáng bàn.
Còn những du học sinh, những người lao động chân chính họ cũng sẽ không mua một con xe chỉ để thể hiện lòng yêu nước vì thực sự nhu cầu của họ chỉ cần các xe cũ với giá trên dưới $10.000 để đi lại là chính.
Như vậy rõ ràng chiến lược kinh doanh nhắm vào thị trường quốc tế của Vinfast đang gặp một rào cản rất lớn từ chính cách tiếp cận của mình, từ chính những người ủng hộ mình và cả những người đang trung dung, những người chưa tẩy chay cũng chưa ủng hộ cũng sẽ e ngại và bị đẩy về phía bên kia luôn. Điều tai hại nhất của một sản phẩm dịch vụ khi đưa ra thị trường mà những người bên cạnh mình, người thân của mình, dân tộc mình cũng không mấy thiện cảm.
Như vậy, cửa tiếp thị kiểu mưa dầm thấm lâu để dần dần chinh phục người dân các nước dựa vào cộng đồng người Việt hải ngoại là không mấy sáng sủa.
Chắc chắn những nhà kinh doanh sẽ vẫn còn những chiêu thức tiếp cận thị trường khác được đưa ra nhưng với kinh nghiệm sống sót của mình ở một số thị trường cả Châu Á và Châu Mỹ thì không đơn giản.
Chưa biết sắp tới đây Vinfast sẽ thay đổi cách tiếp cận thị trường quốc tế như thế nào nếu họ không muốn chuốc lấy một thất bại thê thảm.
Để một sản phẩm xa lạ bán được tại một thị trường nào đó cần:
- Hiểu rõ thị trường bản địa từ phong tục tập quán, cách thức vận hành của xã hội, sở thích của người dân và sở thích chi tiêu...
- Tuân thủ đúng pháp luật của nước sở tại. Để đưa một chiếc xe mới toanh ra thị trường Mỹ, Canada phải đạt chuẩn để được các hãng bảo hiểm bán cho thì mới ra đường.
- Chính sách hậu mãi, đổi trả là điều cực kỳ cần thiết và ưu tiên hàng đầu tại các thị trường Âu, Mỹ.
- Cân nhắc điều kiện thời tiết. Đây là điều kiện cực kỳ quan trọng trong việc vận hành một chiếc xe hơi ở nhiều nước mà điều kiện thời tiết ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng xe.
- Giá cả. Một doanh nghiệp ở một nước có nền công nghiệp dưới chuẩn lại có sản phẩm bán ngang giá với một doanh nghiệp danh tiếng hàng đầu thế giới có lẽ là bất ổn.
Bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong nước muốn vươn ra thị trường quốc tế?
Không chọn con đường thân hữu là chắc chắn, nhưng như vậy thì ở Việt Nam sẽ rất khó lớn mạnh đủ để đi một cách đường đường chính chính ra nước ngoài. Tất nhiên, đừng lợi dụng những kẻ ủng hộ nhưng thiếu não, chỉ có hại cho mình mà thôi. Muốn phát triển, phải làm kinh doanh đàng hoàng và thẳng thớm.
Các nhà quản lý tại Việt Nam cũng cần phải xem xét lại hệ thống pháp luật và các vấn đề thực thi pháp luật của mình nếu muốn doanh nghiệp Việt Nam phát triển để nền kinh tế Việt Nam phát triển. Nhất là phải tạo điều kiện và ủng hộ các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chỉ để lợi dụng chính sách. Doanh nghiệp nhà nước là những cổ máy xay tiền hoang phí. Chỉ có doanh nghiệp tư nhân thực sự (không phải các doanh nghiệp thân hữu) mới là những doanh nghiệp đem về lợi ích kinh tế nhất cho người dân và xã hội.
Đất nước muốn phát triển, kinh tế tư nhân thực sự phải được phát triển.
Bài viết dựa trên quan điểm và kinh nghiệm riêng của tác giả La Quang Trí.
0 Comments