Hình của chữ Ân đó có thể hiểu là khi người ta chịu ơn có nghĩa là chấp nhận có người ngồi trên mình, còn làm ơn là được ở trên người. Người chịu ơn cũng đồng nghĩa với việc cái tâm bị đè, hay nói cụ thể hơn là lòng tự ái bị tổn thương, bị nhục. Một khi bị nhục, người ta sẽ rửa nỗi nhục bằng cách vong ơn, thậm chí phản bội.
Trong đời thường, chắc chắn ai đó trong chúng ta cũng từng bị phản bội. Mình làm ơn cho người, nhưng chính người đó phản bội lại mình. Cái kinh nghiệm phản bội cũng đau lắm, nhưng nếu mình hiểu nghĩa của chữ Ân thì sẽ không có gì ngạc nhiên và chấp nhận sự phản bội như là một qui luật của cuộc sống.
Ở mình, nhất là thời gian gần đây, ngày càng có nhiều ngày kỷ niệm này nọ, hầu hết đều mang tính tuyên truyền chính trị là chính và người ta chúc tụng, tặng quà, tặng hoa ì xèo... Có đôi ba bài báo nêu gương học trò nuôi cả con gà, heo mấy tháng trời rồi mang đến tặng cho cô/thầy giáo của mình mà đối với em ấy đó có lẽ là tài sản giá trị nhất.
Có thầy cô nào đấy đã khoe ở đâu đấy, là có học sinh đã chăm một cái cây suốt nửa năm để tặng thầy cô nhân dịp 20/11, và thầy cô đã rất vui. Trên truyền hình có câu chuyện một học trò mồ côi cha đã đem tặng thầy giáo của mình một món quà nhỏ và nói là món quà này bạn ấy làm để tặng cha, nhưng cha đã mất nên mang tới tặng thầy để tỏ lòng biết ơn, coi thầy như cha của bạn ấy, và thầy đã rất xúc động nhận làm cha đỡ đầu cho bạn ấy trước toàn bộ khách mời và camera tại trường quay.
Những món quà như vậy, người nhận nếu có tâm sẽ rất nặng lòng. Những món quà chất chứa tình cảm quá lớn. Nó làm cho người nhận chấp nhất nhiều khi không siêu thoát được.
Ra bên ngoài, mình ít thấy người ta làm vậy. Nếu có tặng nhau thì chỉ hoa hoặc món quà chỉ mang ý nghĩa tượng trưng và thoáng qua chứ không nặng vật chất. Họ tránh việc làm khó xử cả người cho và người nhận.
Mình nhớ một người chị đáng yêu ngày xưa cấp trên của mình. Quen cách làm nhà nước là nhân viên hay biếu sếp, người lớn mỗi dịp lễ, tết. Mình cũng luôn chuẩn bị quà cáp cho chị ấy. Nhưng chẳng khi nào tặng được, vì cứ đến mỗi dịp ấy, chị đóng cửa đi du lịch đâu đó và chẳng tiếp ai. Nhưng khi về, chị lại đem quà nho nhỏ đâu đó tặng lại cho cấp dưới.
Sau này mình luôn dặn cấp dưới, nhân viên này nọ đừng quà cáp gì rắc rối ra. Mình ít thích người ta ơn mình nên hay từ chối, vậy nhưng đôi khi cũng nhiều đứa hay biếu này nọ lắm. Không nhận thì tội nó, mà nhận thì mình nặng lòng.
Còn chuyện cám ơn, nhớ ơn này nọ tùm lum nữa chớ. Có cả cô gái hồi đó 20/11 nhắn tin nhờ ơn của anh, em mới được như hôm nay. Hỏi cổ, ủa, có dạy gì đâu. Cổ bảo nhờ quen anh em mới sáng mắt ra và sau chia tay anh mà em học bao nhiêu điều tốt đẹp hơn với các mối tình sau này. Ơn này, thử hỏi sao siêu thoát được?

Thật ra, thầy cô, bác sĩ, y tá, tiếp viên, sếp này nọ... tất cả chỉ làm nhiệm vụ của họ mà thôi. Nếu họ làm hơn và trên cái nhiệm vụ được trao thì họ nên được thưởng. Họ chẳng ban ơn cho ai, và cũng không nên nghĩ như vậy. Làm ơn cũng có nghĩa là chạm vào lòng tự ái của người khác, và sự va chạm đó có thể dẫn đến những sự thù hằn hay làm nhục ai đó.
0 Comments