Ngồi đàm đạo với ông em, con ổng mới lớp 9, nhưng vài năm nay, năm nào cũng dắt con đến một trường đại học nổi tiếng nào đó. Nói chuyện về ngôi trường, về những chuyên ngành mà cháu bé đang muốn tiếp cận. Đi chơi hay gặp gỡ cũng dắt các con đi và thường tâm sự với các bạn về chuyện học hành, chia sẻ chuyện trường lớp của các bạn sinh viên, học sinh lớp lớn hơn. Cả chuyện đi làm, chuyện công việc của các bạn sinh viên mới ra trường...
Mình tin với cách chuẩn bị tinh thần, với cái cách giao lưu như vậy, chắc chắn con cái sẽ có những sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
Các con mình giờ không còn ở lứa tuổi bé mọn nữa, chúng trưởng thành rồi. Chúng không còn đi theo mình bất cứ lúc nào ba mẹ gọi mà chúng có sự lựa chọn riêng, đi chơi với bạn bè hơn là lẽo đẽo theo ba mẹ. Chúng có chính kiến riêng, chúng được quyền nói lên suy nghĩ của mình về nhân sinh quan, về chuyện cư xử, cách sống ở đời. Đặc biệt quan trọng là chúng có thể tự do lựa chọn con đường đi của chúng sau này. Chúng chỉ cần nói lên suy nghĩ là mình có thể đáp ứng nếu thấy phù hợp. Chúng thậm chí chọn được chuyên ngành học cho mình từ hồi mới học lớp 1, 2 ở tiểu học.
Ba má mình hồi đó đặt mình lên nấc thang vào đời chỉ duy nhất bằng niềm tin và sự áp đặt rất đơn giản: Chỉ có học mới thoát khỏi cảnh nghèo. Đôi khi bước hụt, chới với trong sự thiếu thốn vẫn phải cố gắng. Học gì không cần biết, chỉ biết học thôi.
Giờ mình có điều kiện đặt con mình lên nấc thang cao hơn tí. Các con không chịu cảnh khó khăn về tiền bạc, quần áo sách vở như ba mẹ. Các con cũng có được sự tiếp cận với những người bạn bè yêu quý ở mức độ tốt hơn. Các con cũng có thể chọn ngành nghề để theo học từ khi còn bé tí, những sở thích, những mong muốn luôn được ba mẹ dọn đường cho con đi. Các con cũng có quyền tự do chọn lựa ngôi trường mình thích để học. Đây là những điều mà mình luôn có sự hạn chế khi còn nhỏ. Các con thậm chí có thể tự quyết định về nơi ăn, chốn ở sau này.
Đó, mình quan niệm nuôi con là nâng đỡ, đặt con lên nấc thang quan trọng nào đó để nó xuất phát từ đó sẽ dễ tiến xa hơn, quan trọng nhất là về tư tưởng hơn là những giá trị vật chất đơn thuần.
Nếu chỉ thuần là đặt con vào những nấc thang vật chất tốt quá, đến mức chúng không còn ý chí phấn đấu, sẽ phát sinh ra nhiều hệ lụy khác hơn rất nhiều. Mà những đứa con của ông Trần Quý Thanh của Tân Hiệp Phát, Đỗ Anh Dũng - Tân Hoàng Minh, Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát ... đang ngồi tù cùng cha, mẹ là những minh chứng sống động nhất.
Vài người bạn mình có những doanh nghiệp rất lớn, rất mạnh, cho con đi du học rồi về tiếp quản các vị trí quan trọng của công ty rồi tiếp đến là kế thừa các doanh nghiệp đó. Có 2 người quen đưa hết các con du học nước ngoài rồi về tiếp quản hết các vị trí ở doanh nghiệp của mình, rồi mỗi đứa khi lập gia đình lại cho thêm 100 tỷ để xuất phát. Nhưng rồi tất cả các con sau khi lập gia đình lại tập trung về ở sát bên cạnh ba mẹ. Hai anh bạn đó làm một cái nhà chung rất to và quay quần tất cả con cháu lại, cả dâu, rễ người khác quốc tịch nữa.
Mình không chắc là việc đó đúng hay sai, tuy nhiên mình quan niệm, nếu đặt con ở vị trí thấp quá thì chúng sẽ quá cực khổ để chiến đấu với cuộc đời, nhất là khi mình không còn nữa. Nhưng đặt con ở vị trí cao quá, đến mức vô tình làm cho chúng mất đi sự tự lập, ý chí phấn đấu thì cũng có nguy cơ tạo ra những sản phẩm lỗi cho cuộc đời tiếp theo.
Mình đi nhiều nước, thấy một số quốc gia có tinh thần doanh nhân rất cao, luật pháp nghiêm minh và môi trường kinh doanh ổn định thì chuyện kế thừa có thể là đều tốt làm cho quốc gia phát triển và giàu có hơn, gia đình cũng vì vậy mà phát triển theo. Tuy nhiên, môi trường Việt Nam những thập kỷ gần đây, chuyện kinh doanh nay đúng, mai sai, ngày mốt lại đúng là chuyện bình thường. Thì những chuyện dẫn dắt con đi những con đường sai trái là không tránh khỏi và hậu quả sẽ khôn lường như vài người được dẫn chứng ở trên.
Hơn nữa, việc kế thừa chỉ có thể phát triển khi con cái có tư duy độc lập. Còn những doanh nghiệp ở Việt Nam mình phát triển hầu hết là do khôn khéo, lợi dụng tranh tối tranh sáng, lợi dụng kẻ hở pháp luật để làm giàu thì thường những người đứng đầu có thể là tự mãn, không cập nhật kiến thức mới mà bảo thủ, khư khư cho mình là đúng cũng dễ đưa các con mình vào các con đường phạm pháp khi thời của các con rất khác với thời mình.
Ông em khác của mình bữa chia tay, ổng bảo, sao anh phải lựa chọn ra đi khi có trong tay mọi thứ mà người khác mơ ước. Nếu được khuyên em khuyên anh nên ở lại. Bài viết này cũng là câu trả lời cho ông em này. Tất nhiên có vài nguyên nhân khác nhưng điều này là quan trọng nhất.
Mình không phải không có gì để cho con cái như những người bạn của mình ở trên. Chỉ có điều mình hay kể cho con mình những điều ba mẹ làm để có được ngày hôm nay khác với thời của các con. Ba mẹ đặt con ở vị trí tốt nhất có thể, nhưng vẫn tạo điều kiện và môi trường để phát triển theo cách của các con. Những gì ba mẹ làm được sau này nếu thích thì các con có thể theo, không thích thì ba mẹ cũng đã dàn xếp những người kế cận cho những gì ba mẹ xây dựng rồi. Tụi con có quyền tự phát triển các con đường riêng của mình.
P/S: Làm gì làm, sống ở đâu nhưng những giá trị của nguồn cội, của dân tộc cần phải được gìn giữ và không gì tốt hơn là sự gắn bó với nhiều thế hệ và những người có tiếng nói cũng sẽ góp một phần nào đó gìn giữ.
0 Comments