Nhiều năm qua, chủ trương hội nhập với thế giới xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ của các nhà lãnh đạo đất nước. Cũng từng ấy thời gian, Việt Nam đã ký rất nhiều FTA (Hiệp định tự do thương mại) với khá nhiều các tổ chức, các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới. Tính đến tháng 8 năm 2023, Việt Nam có 16 FTA đã ký, đó là: AFTA, ACFTA, AKFTA, AJCEP, VJEPA, AIFTA, AANZFTA, VCFTA, VKFTA, VN-EARU FTA, CPTPP, AHKFTA, EVFTA, UKVFTA, RCEP, VIFTA và đang đàm phán Việt Nam - EFTAFTA, ASEAN-Canada, Việt Nam - UAE FTA. Với số lượng FTA khủng như vậy nhưng Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hiệu quả các điều khoản mà các FTA mang lại.
Doanh nghiệp chưa sẵn sàng
Nền tảng để một doanh nghiệp phát triển vượt bậc là phải được sở hữu, vận hành bởi những doanh nhân có nền tảng kiến thức, có môi trường và có sự kế thừa. Các doanh nghiệp Việt Nam dù qua một quá trình mở cửa từ những năm 1990 đến nay đã có nhiều phát triển vượt bậc. Song sự tăng lên về số lượng chưa chắc có sự lớn mạnh về chất lượng. Bởi nguyên nhân là Việt Nam chưa có một tầng lớp doanh nhân kỳ cựu, những người có dòng dõi, có tố chất doanh nhân từ trong máu trải qua nhiều đời. Mà hầu hết những người làm kinh doanh ở Việt Nam kiểu như chuyện gì đến phải đến. Cơ hội đến thì nắm bắt chứ không phải là một sự chủ động được rèn luyện từ thuở nhỏ.
Doanh nhân thành công ở Việt Nam cũng phần nhiều đến từ các thành phần cơ hội. Những người đang ở các vị trí trong cơ quan nhà nước nhưng nhìn thấy lỗ hổng của pháp luật, hay các cơ hội kinh doanh đặc thù do quá trình công việc mà họ đảm trách họ thấy, ngay lập tức nhảy ra chớp các thời cơ đó. Những người này thường chỉ tận dụng một cơ hội nào đó chứ không có nền tảng lâu dài về kinh doanh. Hơn nữa vốn là những kẻ xu thời, cơ hội nên những người này làm kinh doanh thường có hại cho xã hội hơn là tốt cho nền kinh tế.
Doanh nhân chỉ là những người ngoài nhà nước bắt buộc phải kinh doanh sau khi đi làm một thời gian thấy được những cơ hội trong công việc của họ thì chớp lấy. Cũng có khi họ bị mất việc rồi tự ra kinh doanh may mắn có được cơ hội nào đó. Trong khi đó kiến thức về quản lý, luật pháp và cả các kiến thức cơ bản về thị trường, kinh doanh cho nên các doanh nghiệp của họ khó có thể phát triển mạnh mẻ được. Về bản chất họ là những người tốt, có tâm có ý tốt xây dựng kinh tế tốt hơn cho gia đình mình và góp phần tốt hơn cho xã hội nhưng để đóng góp lớn cho xã hội thì khó. Đặc biệt để vươn ra quốc tế hãy còn rất khá xa vời.
Những doanh nghiệp đi theo, tháp tùng các đoàn đàm phán lại thường là những doanh nghiệp sân sau của ai đó, những kẻ cơ hội, những người làm ăn ít khi bằng con đường kinh doanh chính thống. Chính vì vậy nên những gì họ tư vấn cho các đoàn đàm phán chưa phản ánh đúng hết những điều mà doanh nghiệp thực sự cần. Trong khi đó, những người thực sự kinh doanh đúng nghĩa lại khó có được cơ hội tham gia các đóng góp vào các sự kiện, các cuộc đàm phán có lợi cho doanh nghiệp Việt như vậy.
Pháp lý vẫn bó buộc doanh nghiệp
Hầu hết các ưu đãi hiện tại của nhà nước đang giành cho những đối tượng là doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp nhà nước hầu hết đều là những “đứa con phá gia chi tử”. Họ tiêu tiền như nước và hầu như không có lợi gì cho nền kinh tế. Cái lợi duy nhất của họ chỉ là làm cho những người nắm quyền tại các doanh nghiệp này giàu lên một cách không kiểm soát được. Có kẻ dùng tiền kiếm được tiến thân lên cao hơn. Có người lại chuyển hết tiền họ kiếm được qua đất nước khác ung dung sống đời sung túc quảng đời còn lại. Trong khi đó, những đối tượng cần chú tâm phát triển nhất để nuôi sống nền kinh tế thì lại đang chịu nhiều thiệt thòi dù họ vẫn đang cố gắng từng ngày. Đối tượng đó là các doanh nghiệp tư nhân. Trong bất cứ xã hội nào, các doanh nghiệp tư nhân luôn là xương sống của nền kinh tế. Tất nhiên, cũng có một số các doanh nghiệp tư nhân phát triển được thì rất tiếc như đã nói ở trên họ hầu hết là những kẻ cơ hội.
Luật và các quy định hãy còn chồng chéo và chưa thực sự hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ có thể có đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Những doanh nghiệp thực sự có thể mang gươm đi đánh xứ người chắc chắn sẽ phải là những doanh nghiệp thực sự kinh doanh một cách truyền thống nhất. Tuy nhiên hầu hết họ không kịp lớn bởi rất nhiều rào cảng về pháp lý. Đó là sự quản lý chồng chéo của các cơ quan quản lý. Thanh tra thuế có thể kiểm tra họ bất cứ lúc nào. Công an địa phương cũng có thể vào tìm hiểu một lúc nào đó. Đó là chưa kể việc hình sự hoá các vụ việc kinh tế làm cho những người kinh doanh đề phòng và nhiều doanh nghiệp còn chẳng chịu lớn. Bởi lớn lên sẽ bị để ý và theo dõi.
Thuế đang là vấn đề cực kỳ phiền phức trong kinh doanh ở Việt Nam hiện tại. Làm đúng cũng được, sai cũng được tuỳ vào ý muốn của những người quản lý thuế ở tại nơi mà doanh nghiệp hoạt động đó. Họ vui có thể cho qua những sai sót miễn có một ít chung chi là được. Họ buồn có thể làm lớn chuyện và doanh nghiệp phá sản, thậm chí bị hình sự hoá là đều hoàn toàn có thể xảy ra.
Hệ thống ngân hàng cực kỳ cồng kềnh và không hiệu quả. Trong khi hầu hết các nước xung quanh xử lý một lệnh chuyển tiền quốc tế chỉ trong vòng vài phút. Rất nhiều nước chỉ sử dụng ngân hàng điện tử thì ở Việt Nam, ngoài bộ hồ sơ đã nộp online thì bắt buộc doanh nghiệp vẫn phải mang cả đống giấy tờ đến ngân hàng. Xử lý cho xong được lệnh chuyển tiền quốc tế như vậy thường các doanh nghiệp mất đến vài ngày mới chuyển được. Thậm chí có những khoản tiền mà doanh nghiệp thực sự có làm ăn, có chứng từ đàng hoàng vẫn không thể chuyển được vì cảm giác của các nhân viên ngân hàng có điều gì đó bất ổn so với quy định của ngân hàng nhà nước. Mà cảm giác thì sớm nắng chiều mưa.
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài quả là điều khó khăn bởi các quy định về chuyển tiền chính thống cực kỳ rắc rối và phức tạp. Cho nên, đến thời điểm hiện tại, chưa có doanh nghiệp nào của Việt Nam thực sự lên các sàn chứng khoán quốc tế bằng chính công ty có trụ sở tại Việt Nam, hoạt động chính thức hoàn toàn từ Việt Nam.
Logistics hãy còn nhiều hạn chế.
Gia nhập FTA là để mở ra nhiều cơ hội thương mại, làm giàu có thêm cho đất nước. Hoạt động thương mại quốc tế tất nhiên gắn liền với các dịch vụ trong chuỗi Logistics từ vùng nguyên liệu cho đến tay người tiêu dùng cuối. Nếu Logistics thuận lợi thì các hàng hoá sẽ dễ dàng vận chuyển, hoạt động kinh doanh sẽ tốt lên. Tuy nhiên, hiện tại Logistics ở Việt Nam đang gặp một số vấn đề mà nếu không được cải thiện, chắc chắn nền kinh tế sẽ khó mà phát triển, chắc chắn chuyện gia nhập các FTA là vô nghĩa.
Đó là cơ sở hạ tầng ở những khu trọng điểm về kinh tế cực kỳ yếu kém. Hệ thống đường bộ xây dựng rất ẩu và mau hỏng, trong khi lẽ ra chỗ cần xây thì không được xây mà chỗ chưa cần thiết phải xây thì lại xây đẹp để cho bò đi. Đầu tư xây dựng các cảng biển và cả cảng nội địa một cách dàn trãi và không hề có quy hoạch chuẩn mực nào cả, mạnh tỉnh nào tỉnh nấy tự xây cho bằng với tỉnh bạn và xây rồi thì cạnh tranh nhau và cùng để trống. Trạm thu phí đường bộ của Việt Nam có lẽ là nhiều và dày đặc nhất thế giới. Điều này dẫn đến các chi phí cho vận chuyển tăng lên rất nhiều. Đó là chưa kể các trạm kiểm tra của cảnh sát giao thông chính thống và không chính thống cũng đội thêm giá vận tải lên rất cao. Tốc độ rùa bò trên đường mấy chục năm nay vẫn chưa được cải thiện là mấy mà có nguy cơ giảm dần bởi sự phát triển về dân số, đường sá xuống cấp và nhất là tư duy quản lý dẫn tới bất cập.
Giao thông đường thuỷ nội địa cũng không ngoại lệ. Các cuộc kiểm tra bất ngờ và các cuộc làm việc hầu như không chính thống với các phương tiện đang lưu thông không nhằm đảm bảo an toàn giao thông mà chỉ có mục đích tìm kiếm thêm thu nhập.
Hoạt động tại các cửa khẩu cũng là vấn đề rất đáng bàn bởi quản lý nhà nước tại các khu vực này cũng đều giải quyết công việc theo nhiệm vụ của họ được giao rất hời hợt trong khi đó mục đích chính của họ khi ở các vị trí đó lẽ ra giúp cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhanh gọn thì họ dùng các vị trí được phân công của họ vào mục đích kiếm thêm thu nhập cho gia đình và cho túi riêng của họ.
Quyền lực của cuốn hộ chiếu
Nếu vẫn chưa cải thiện sức mạnh cuốn hộ chiếu Việt Nam thì không thể nói đến chuyện hội nhập. Bởi tham gia các hiệp định thương mại tự do rất cần sự gặp gỡ, đàm phán, hoặc đơn giản chỉ là những buổi thăm nhau, nói chuyện với nhau thôi. Nhưng với hạn chế về đi lại, khi một doanh nhân Việt Nam buộc phải chờ hàng tháng trời để xin thị thực vào các nước, thậm chí ngay cả các nước mà Việt Nam có ký các FTA với họ, thì thực sự là điều bất cập. Mất cơ hội kinh doanh bởi không chỉ không cập nhật kịp những kiến thức mới, sản phẩm mới mà còn những cơ hội làm việc, ký hợp đồng với các đối tác sẽ mất đi và tay những người khác nhanh hơn.
Hiện nay, trong số các nước Đông Nam Á thì Singapore được miễn thị thực ở 192 nước, đứng đầu thế giới. Hộ chiếu của Malaysia được miễn thị thực ở 180 nước. Hộ chiếu Brunei được miễn thị thực ở 166 nước. Hộ chiếu Thailand được miễn thị thực tại 79 nước. Hộ chiếu Indonesia có 73 nước miễn thị thực. Philippines có 66 nước miễn thị thực. Việt Nam và Cambodia cùng có số nước miễn thị thực giống nhau là 55 nước. Điều này là ảnh hưởng cực kỳ lớn cho sự phát triển kinh tế và khả năng hội nhập.
Gia nhập FTA để làm gì?
Tất nhiên, các FTA mở ra các cơ hội cho thương mại quốc tế, mở ra sự di chuyển của lao động từ nước này qua nước khác. Tuy nhiên, trong khi vẫn còn có quá nhiều yếu tố ràng buộc như đã nói ở trên thì cần thiết trước mắt là phải chuẩn bị sẵn sàng để hội nhập. Chuẩn bị như thế nào là nhiệm vụ của những nhà quản lý. Tuy nhiên, với tư duy quản lý hãy còn khá duy ý chí của các nhà lãnh đạo thì việc gia nhập các FTA đã qua chỉ chủ yếu làm màu cho các yếu tố chính trị là chính.
Để thực sự các FTA phát huy hiệu quả như vốn của nó thì cần thiết môi trường kinh doanh, các yếu tố pháp lý cần được chỉnh sửa và chuẩn hoá tạo điều kiện hết sức cho những doanh nhân, những người có khả năng dẫn dắt nhiều người tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội yên tâm mà phát huy sở trường của họ. Nhà nước cần tập trung quản lý nhà nước chứ không thể vừa đá bóng, vừa thổi còi như giai đoạn vừa qua.
Gia nhập các FTA phải lấy mục đích để làm cho người dân phải được hưởng lợi thì mới có những phát triển tốt hơn được. Người dân phải được quyền đi lại xuyên quốc gia bình đẵng như nhiều người dân các nước khác thì họ mới có cơ hội làm ăn phát triển được. Điều này thì cuốn hộ chiếu của Việt Nam cần phải có quyền lực hơn. Bằng không thì việc tham gia vào các FTA này đơn giản chỉ là hình thức. Tất nhiên, không hoàn toàn có lợi, mà có nguy cơ bị “xâm chiếm” bởi các doanh nghiệp nước ngoài, sự lấn át của những lao động có trình độ cao, tay nghề cao làm cho môi trường kinh doanh và lực lượng lao động của Việt Nam ngày càng yếu đi.
La Quang Trí
Canada, 2 Dec, 2023
0 Comments