Nói dông dài như vậy để khẳng định rằng tôi là người Nghĩa Trung, yêu quê hương, có lòng và gắn bó với quê hương. Tôi cũng là người có khả năng và biết làm kinh tế và dám nói về kinh tế (tôi có viết sách và rất nhiều bài báo trên các tờ báo lớn về kinh tế ở Việt Nam như Thời báo kinh tế Sài Gòn, Doanh nhân Sài Gon, Nhịp cầu đầu tư, Thời báo ngân hàng, VNExpress…). Chính vì lý do đó mới có những tâm sự như sau. Mong muốn những ai có lòng với quê hương có một chút suy nghĩ là tôi vui rồi.
Nghĩa Trung giàu đẹp không?
Phải khẳng định rằng: KHÔNG. Với gần 50 năm tự do phát triển (bằng với tuổi đời của tôi) nhưng vì nhiều lý do, Nghĩa Trung vẫn luôn mãi là vùng đất thuần nông và kém phát triển. Dù dân số đông, tỷ lệ người Nghĩa Trung giỏi rất nhiều. Bằng chứng là những người Nghĩa Trung đi khỏi vùng đất này, cả trong nước và ngoài nước thành công lớn rất nhiều (rất nhiều lĩnh vực cả về học thức, kinh doanh… ). Trong khi bằng thời gian đó thì Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đã đi từ một đất nước lạc hậu trở thành những cường quốc trên thế giới. Nếu có điều kiện, mọi người hãy đi để nhìn thấy trực tiếp họ phát triển là như thế nào.
Những gì gọi là phát triển ở Nghĩa Trung dù rất nhỏ bé chỉ là bề nổi, đó là tiền của và công sức của những người con Nghĩa Trung xa quê hy sinh cả máu và nước mắt mới có được. Kinh tế Nghĩa Trung chẳng có gì để phát triển cả với những mảnh ruộng bé tí teo và những mảnh vườn còn bé hơn rất nhiều. Mà phát triển theo hướng này là sự phát triển không bền vững và là nỗi cơ cực cho nhiều thế hệ người Nghĩa Trung hết đời này qua đời khác.
Nghĩa Trung vì sao chưa và khó phát triển?
Do vị trí địa lý. Là vùng đất vùng ven đô thị, tất nhiên luôn khó phát triển. Bởi nếu muốn buôn bán, muốn mua đồ gì người ta sẵn sàng chạy thêm 4, 5km nữa để ra khu vực trung tâm thành phố để mua, để bán… thậm chí chỉ để ăn sáng, uống cà phê. Hơn nữa, cái cụm từ “đi ra tỉnh”, "đi thành phố” vẫn là một điều gì đó làm cho người ta thích nói về hơn là trải nghiệm tại quê. Đó là tâm lý thường tình của con người.
Nói nhiều quá, thay vì nhìn rõ vào thực tại để nói lên, để chỉ rõ những điều chưa được, những thứ chưa hay và tìm cách khắc phục, tìm cách để phát triển lên thì người ta chỉ hay tìm mọi cách ngợi ca, làm đẹp các báo cáo, kiểu xây dựng các phong trào này nọ một cách rỗng tuếch, nhưng lại khiến hao tốn rất nhiều tiềm lực của xã hội. Đây có lẽ không chỉ là căn bệnh kinh niên của riêng Nghĩa Trung mà của rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Cái nhìn thiển cận là thay vì phát triển kinh tế thì hầu hết các suy nghĩ màu mè kiểu hời hợt để báo cáo mà không chú trọng nhiều tới thực chất.
Không có kinh tế chủ đạo. Trong suốt cuộc đời tôi từ nhỏ đã chứng kiến tới bây giờ, Nghĩa Trung chỉ là vùng đất thuần nông dù đất của Nghĩa Trung rất nhỏ bé. Những cánh đồng bị chia lẻ tẻ ra rất manh mún và không hiệu quả. Bà con làm ăn chỉ cho có làm mà không thể phát triển lên được.
Nghĩa Trung không coi trọng người giỏi và cũng chẳng có chính sách gì để giữ những người giỏi để phát triển quê hương. Điều này cũng là tình trạng chung của cả nước Việt Nam chứ không chỉ một xã nhỏ như Nghĩa Trung. Đến những vị trí đứng đầu Nghĩa Trung thôi cũng toàn đưa người từ nơi khác về quản lý chứ cũng ít người ở quê.
Người dân không có nghề nghiệp gì phát triển bền vững cả. Từ thời tôi còn thanh niên thì muốn phát triển, lớp những người như tôi ngoài việc học một cách mù quáng ra thì còn lại phải đi bán hủ tiếu, bán bánh tráng, bán vé số, đạp xích lô… ở Sài Gòn để rồi cuối năm mới trở về quê hương. Đi một mình, phải chịu cảnh xa quê, xa gia đình… một sự hy sinh quá lớn cho việc kiếm sống. Mà không chỉ từ hồi hơn 30 năm trước như vậy. Bây giờ vẫn không khá hơn thì hỏi làm sao xã hội phát triển được???
Sai từ suy nghĩ của người dân khi cho rằng họ và chính con cái họ cần có việc làm an nhàn nhưng có được nhiều tiền. Hồi tôi còn trẻ, mỗi lần về Nghĩa Trung luôn được những người lớn hỏi thăm làm được bao nhiêu tiền? Rồi khoe con chú, bác, anh đang làm chỗ này công việc nhẹ, lương cao, còn có lậu nữa?… với sự tự hào về việc đó rất lớn. Xã hội phát triển là xã hội công bằng. Ai làm được nhiều, làm thông minh hơn phải được hưởng cao hơn. Trái điều này là sự phát triển tiêu cực, đó là điều chắc chắn. Tư tưởng này đến bây giờ vẫn đang hiện diện trong không ít người dân quê mình. Tất nhiên, cũng có rất nhiều người có suy nghĩ và tư tưởng khá hơn nhiều nhưng hầu hết họ đều phải đi khỏi quê hương hoặc cuối cùng rồi họ cũng theo con cái họ rời khỏi quê hương.
Do nhìn nhận sai. Đừng nhầm lẫn sự đóng góp của bà con xa quê với Nghĩa Trung là nghĩa vụ. Nghĩa vụ của họ là làm cho gia đình mình tốt lên mỗi ngày. Gia đình mỗi cá nhân tốt sẽ kéo theo cả xã hội tốt. Trên đời này, việc ai đó có người khác lo cho sẽ tạo nên tâm lý ỷ lại sẽ tạo ra một bộ phận lười biếng, rất có hại cho xã hội. Ở những nước Châu Mỹ, người ta cho từ thiện rất nhiều cho những người dân bản địa, đó là cách mà người phương tây đang thống trị, thậm chí tiêu diệt người bản địa. Ở một số nước Châu Á khác cũng vậy, một số tộc người suy yếu hẳn do họ được quá nhiều ưu đãi.
Quy hoạch nghĩa trang là phải đồng bộ, nên hạn chế những ngôi mộ to như núi hao tốn tiền của một cách vô nghĩa nhất và chiếm đất của thế hệ sau. Vốn dĩ đất Nghĩa Trung đang rất hẹp và hầu như không đủ cho dân ở. Chẳng có nước nào trên thế giới phát triển được khi chỉ lo xây dựng mồ mả, miếu, đền… Từ Cambodia cho đến Myanmar, từ Hy Lạp cho tới Ai Cập… Đến cả những nước ở Châu Mỹ… Những nước đang có những đền đài to lớn, một thời là niềm tự hào của các đất nước đó đang có sự phát triển kinh tế khá tồi tệ. Nó không những là về mặt thực tại, nó có cả mặt tâm linh nữa. Khi anh lấy đi của người khác quá nhiều, buộc anh phải trả vào một lúc nào đó.
Vậy phải làm sao? Lãnh đạo cần phải làm gì?
Tất nhiên, sự phát triển luôn cần vai trò đóng góp rất lớn của những người cầm trịch, đó là các ông lãnh đạo nhà nước ở nơi đó.
Ngoài những việc về chỉ đạo, triển khai các chính sách chung thì nhất thiết các ông phải luôn là những người tiên phong trong các việc đóng góp các chính sách, vận động chính sách sao cho có lợi cho người dân trong địa bàn của mình nhất có thể, các ông có thể nêu lên các ý tưởng mới, các ý tưởng có lợi cho dân nhất có thể và đấu tranh thậm chí với các cấp trên để các ý tưởng đó được thực thi.
Các ông phải tận dụng mối quan hệ để xây cho được các cơ sở hạ tầng trong xã thật tốt. Đó là các con đường phải xanh, sạch đẹp và to lớn. Không nơi nào phát triển mà những con đường bé tí ti, 2 xe hơi chạy qua không né được nhau. Nhất là ở các vùng nông thôn. Tôi đã đi qua rất nhiều nước như Malaysia, Đài Loan, Canada, Thailand… vùng nông thôn của họ quá đẹp và hạ tầng rộng rải, thoáng mát. Nông dân của họ hầu hết là giàu và rất giàu. Nhưng hạ tầng này là do nhà nước của họ làm. Tiền là từ thuế của người dân mà họ thu hàng năm đó. Ở mình có rất nhiều loại thuế nhưng đến khi làm các công trình hạ tầng thì không có tiền là điều bất cập cần phải xem lại vấn đề này.
Các ông cũng cần bỏ thời gian ra để học hỏi, tạo điều kiện và khuyến khích người dân kinh doanh và phát triển kinh tế gia đình. Tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt giấy tờ, đừng để sự nhũng nhiễu, những suy nghĩ ích kỷ nó đè nén làm thui chột hết sự sáng tạo của chính các ông và của những người có tấm lòng khác.
Các ông cũng nên dành thời gian để quảng bá về con người, về các sản phẩm địa phương. Các ông nên tận dụng các cơ hội đi các hội chợ, các trung tâm xúc tiến đầu tư, xúc tiến việc làm để quảng bá về quê hương mình, về các sản phẩm của quê hương mình để họ dễ tiếp cận đến thị trường khắp nơi.
Nếu có điều kiện các ông nên mời những người con quê hương thành đạt ở các nơi về quê để nói về việc khởi nghiệp, nói về chặng đường phát triển của họ, nói về sự thành công cũng như thất bại của họ và mời đông đảo bà con, đặc biệt là những người trẻ đến tham dự để họ nghe và học hỏi. Đừng xin tiền họ, xin nhiều họ ghét và không muốn đóng góp. Bởi họ sinh ra trên đời chỉ có nghĩa vụ với chính họ và gia đình họ mà thôi. Đừng lợi dụng tình yêu quê hương để đòi hỏi họ. Nếu có thể thì nên kết hợp với các trường đại học lớn để họ có thể đưa người về hướng dẫn bà con ở quê hương các chuyên môn. Ví dụ như trường đại học nông lâm để hướng dẫn về làm nông nghiệp, trường kinh tế dạy về cách mở và vận hành doanh nghiệp… Những điều này tôi nghĩ rất đơn giản và hiện nó nằm trong tay BLL Cựu học sinh Nghĩa Trung nếu các ông đề cập với họ giúp cho chuyện này.
Một điều quan trọng nhất là nên tìm cách để vận động và vận dụng mọi thứ tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp ở quê hương thành lập và phát triển. Chỉ có doanh nghiệp mới có thể đưa một vùng đất nào đó trở nên giàu có, thịnh vượng và bền vững. Khuyến khích và ủng hộ người dân tự kinh doanh, tự làm chủ, tự đưa các sản phẩm của mình ra thị trường xa hơn là chỉ quanh quẩn ở vùng quê mình. Có thể tổ chức các khoá học ngắn hạn về các cách thức sử dụng thương mại điện tử, bán hàng qua mạng, livestream…
Cần gì cho Nghĩa Trung để phát triển?
Những người lớn tuổi có thể động viên con em mình trong học hành và làm ăn nhưng hạn chế can thiệp vào đời tư tụi nhỏ. Mỗi con người có mỗi thời của riêng mình. Góp ý chân thành và đúng với thời đại nó khác với chuyện áp đặt và bảo thủ. Người trẻ chỉ thiếu kinh nghiệm nhưng họ luôn có đầu óc nhạy bén hơn, dễ tiếp thu cái mới hơn và tất nhiên sẽ phát triển tốt hơn thế hệ cũ là tất nhiên. Nhất là thời đại phát triển công nghệ như vũ bão hiện tại người lớn sẽ không thể nào theo kịp.
Giới trẻ cần nhận thức đúng con đường của mình để góp phần xây dựng đất nước. Đó là học hành cho thật giỏi, làm ăn cho thật giỏi, nhưng phải tự lực cánh sinh. Tránh các kiểu việc nhẹ lương cao vì nó không đúng tự nhiên được và dễ dẫn đến con đường không chính đạo.
Nghĩa Trung đang có một số nghề như làm bánh, làm kẹo gương, mạch nha, các nghề thủ công mỹ nghệ, làm mật ong, gia công một số sản phẩm xuất khẩu… Đây là những nghề mà tôi nhận thấy có thể đưa đến sự phát triển bền vững cho Nghĩa Trung, nâng cao đời sống cho người dân. Ngoài ra nếu có những ưu đãi đủ lớn (cho họ miễn toàn bộ thuế trong 5-10 năm chẳng hạn) có thể thu hút một số doanh nghiệp về công nghệ có thể về đóng ở nơi đây như thiết kế web, làm phần mềm. Không thu thuế, chỉ cần họ phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân, người dân có tiền chi tiêu thì nhà nước đã gián tiếp thu thuế để nuôi bộ máy của mình rồi.
Không chỉ những nghề nói trên, có những ngành nghề có thể du nhập từ nơi khác về cũng được, miễn là có thể tạo điều kiện cho họ phát triển là được.
Tất cả những ngành nghề nói trên cần được quy hoạch rõ ràng vùng nguyên liệu, vùng sản xuất và có chính sách phát triển dành ưu tiên cho họ. Cũng cần phải tạo điều kiện, khuyến khích bà con đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký bản quyền, đăng ký thương hiệu một cách chuyên nghiệp. Trên các phương tiện truyền thông cần luôn để họ xuất hiện với các chi phí tiết kiệm nhất. Nếu có bất cứ hội chợ, các cơ hội xúc tiến thương mại thì các quan chức ở xã phải tìm cách tiếp cận và tiếp thị giúp cho doanh nghiệp xã mình thì mới có cơ hội để doanh nghiệp phát triển mạnh ngoài sự cố gắng của bản thân họ.
Về nông nghiệp như hàng chục năm qua vẫn manh mún. Cần được quy hoạch lại và làm sao để cho một vài doanh nghiệp tham gia làm việc này thôi. Những thửa đất nhỏ xíu trên cánh đồng manh mún như ở Nghĩa Trung chỉ cần tập hợp lại cho vài doanh nghiệp làm thì mới có thể sản xuất ra sản phẩm tốt và có tiếng nói trên thương trường. Tập trung đất bằng cách khuyến khích bà con cho thuê lại đất của mình và doanh nghiệp trả tiền cho người ta tương đương kết quả họ tự làm nông manh mún.
Bớt bớt phát triển các kiểu hội hè, đình làng, miếu miễu các kiểu giống miền bắc. Điều này chỉ tổn hao nguồn lực mà không hề có ích gì cho sự phát triển cả. Bớt bớt các hoạt động bề nổi chỉ để làm cho người dân cứ tưởng đời sống khá khẩm, lo ăn chơi phè phởn dễ gây tình trạng tiêu cực cho xã hội mà không lo phát triển kinh tế.
Tất nhiên, cần người dân tự lo cho mình, phát triển kinh tế gia đình mình hơn là ngồi chờ đợi những thứ từ đâu rơi xuống kiểu như được tài trợ, được cho, được tặng...
Có một điều cực kỳ quan trọng nữa cần phải giải quyết đó là tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Nghĩa Trung đang đáng báo động. Một xã hội không thể phát triển nếu như người dân sống trong điều kiện ô nhiễm, đặc biệt là ô nghiễm nguồn nước. Nó làm hao mòn sức khoẻ cả tinh thần và thể xác. Làm suy yếu nguồn nhân lực.
Những ngày này, bà con đang lo các phong trào như tuyến đường đẹp, học bổng; các quan chức thì lo các báo cáo cuối năm, các doanh nghiệp thì lo trả lương; bà con nhân viên, nông dân thì lo tiền tiêu tết, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng bài viết này nói linh tinh và lan man. Nhưng tôi nghĩ, nếu không nhìn đúng vào cốt lõi của sự thật thì chuyện phát triển Nghĩa Trung mãi mãi chỉ luôn là niềm mơ ước từ đời này đến đời khác, hết thế hệ này đế thế hệ khác mà thôi.
La Quang Trí
0 Comments