Hôm qua một đứa trong công ty hỏi: Ủa như chú với chị bây giờ là gọi là tự do tài chính chưa chú?
Sau đây là những gì mình trả lời nó:
Nhu cầu của mỗi người, mỗi gia đình là khác nhau. Do đó lượng tiền người ta cần là khác nhau. Có người chừng vài tỷ là họ đủ trong một thời gian nào đó, một số người ở quê họ chỉ cần tầm vài trăm triệu là hạnh phúc, nhưng có người lại cần nhiều hơn rất nhiều. Như mấy sharks trên TV bảo cần đến vài trăm tỷ thôi chứ không cần nhiều :).
Nhưng để có sự thoả mái về tài chính thì cần đạt đến các yếu tố:
- Có 1 lượng tiền dự trữ
- Số lượng tiền đó có thể nuôi mình trong 1 thời gian nào đó mà lỡ chẳng may thất nghiệp, tai nạn, đau ốm không làm việc được nữa mình vẫn còn tài chính để duy trì cuộc sống.
Thường người ta xác định khoản dự trữ này để có thể nuôi họ đến khi già và chết đi.
Tuy nhiên, xã hội vẫn cứ luôn vận hành. Số tiền mà người ta có có thể sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến các yếu tố ngoại cảnh khác mà không dễ kiểm soát được: Chiến tranh, thay đổi chế độ, khủng hoảng kinh tế, lạm phát, mất mát do trộm cướp, người thân mượn, nhiều khi hứng chí tiêu mất một số đáng kể… Do đó, cần thiết để duy trì tài sản này thì mình phải biết để tiền ở đâu? Bỏ ngân hàng hay đầu tư vào các chuyên mục đầu tư.
Hồi trước 1975, rất nhiều gia đình tích góp tài sản nhiều kinh khủng nhưng biến cố 75 xảy ra họ trở thành tay trắng, không còn gì phải làm lại từ đầu. Sau 75, cũng có một số gia đình có gia thế khủng nhưng khi có sai sót gì đó trong kinh doanh khiến cho họ dính dáng với thuế và tài sản họ cũng mất sạch. Một số gia đình chú biết ngày xưa ở quê khá là giàu, nhưng tích cóp lúa gạo và các tài sản để ở nhà, bão lũ ập đến cũng mất sạch.
Bỏ ngân hàng thì sẽ tiền sẽ hao mòn theo năm tháng do lạm phát liên tục xảy ra hàng ngày. Nhiều người có lượng tiền mặt đủ để mua vài ba cái nhà nhưng cứ đem tiền đó bỏ vào ngân hàng, đến vài chục năm sau, số tiền đó chỉ còn đủ để mua vài tô phở, đó là chưa kể rủi ro do hệ thống ngân hàng rất tệ, có thể bị mất mát. Còn đầu tư vào lĩnh vực nào để duy trì được số tiền đó và làm cho nó sinh sôi nảy nở thì cần rất nhiều kiến thức. Kiến thức đó từ đâu? Phải học hỏi đúng cách đúng kiến thức nữa.
Điều này cũng dễ thấy khi không đủ kiến thức thì những người trúng số, hay những người có một khoản tiền trên trời rơi xuống thường không giữ được lâu, họ tiêu hết rất nhanh. Có người thậm chí tiêu âm vào cả số tiền mà mình có trước đó nữa.
Người thông minh họ thường lợi dụng tiền của ngân hàng để vay liên tục, chứ họ không đi gửi ngân hàng. Khi vay ngân hàng họ có động lực để trả nợ nên họ càng làm nhiều hơn và có được nhiều tiền hơn. Khi họ được ngân hàng cho vay, tất nhiên họ phải có tài sản gì đó thế chấp thì ngân hàng mới chịu cho vay và họ sẽ chỉ vay trong khoản mà họ nghĩ là họ có thể trả được thoả mái mà không bị quá mức so với công việc và thu nhập thực tế của họ.
Riêng trong việc vay ngân hàng cũng có các điều kiện cần chú ý:
- Không vay quá mức chi trả của mình, phải tính toán đúng khả năng thu nhập của mình để trả chứ không được vay vượt mức đó.
- Không vay để tiêu dùng
- Không vay để mua tiêu sản
- Không vay để trả nợ, đặc biệt không vay để trả nợ cho người thân (chuyện của ai người ấy lo)
- Vay chỉ có một mục đích duy nhất để đầu tư làm cho sinh sôi tài sản của mình ra mà thôi.
Tự do tài chính còn phụ thuộc vào môi trường sống nữa, nếu sống ở Việt Nam hệ thống an sinh xã hội chưa ổn lắm (có khi tiền mình đóng để dành về hưu bị người ta xài hết mất) nhiều khi tự mình phải lo lắng đến hết đời. Ở các nước an sinh tốt, họ có hệ thống an sinh mà lúc trẻ người ta đóng thuế vào để nuôi thì khi về già họ được hưởng lại số tiền mà mình đã đóng đó.
Như vậy thì khi nào thì đạt được tự do tài chính? Chẳng biết. Tuỳ mỗi người tự thấy đạt thì họ đạt thôi. Có thể họ thấy đạt rồi đó nhưng vài năm, hay 5, 7 năm sau thậm chí chục năm hoặc vài chục năm sau họ lại thấy thiếu do các yếu tố khác ảnh hưởng lại phải nai lưng đi cày tiếp. Hay đôi khi phát sinh ra chuyện có thêm đứa con hay vài đứa con nữa chẳng hạn hay thậm chí gia đình li dị cưới vợ cưới chồng mới cũng cần thêm tài chính nữa mới đủ lo cho tụi nhỏ... :)
Khi con người ta hiểu được về tài chính, về sự vận hành xã hội thì tiền hay tài chính đôi khi không phải là mục tiêu nữa mà chỉ là niềm vui hàng ngày thôi. Các tỷ phú thế giới họ không nghỉ ngơi dù 70 hay 80 tuổi. Những đối tác thân thiết của công ty mình như Mr. John, Mr. K, Mr. David, Mr. Rud, Mrs Lg, Mr. Thomas... hiện đang có rất nhiều triệu USD nhưng dù đã qua tuổi về hưu rất lâu rồi, có ông đã hơn 70 rồi vẫn hàng ngày làm việc với tụi con, vẫn thức khuya, dậy sớm, nhắn tin, chat chít với tụi con… Với họ làm việc, kiếm tiền là niềm vui sống mỗi ngày.
Ai đó nói, khi con người nhàn rỗi là khi đó cái chết tìm đến dần dần.
Chú chưa có nhiều tiền, nhưng chú thích cái cách sống của mấy ông/bà bạn khá thân thiết của chú như nói ở trên, làm việc là niềm vui sống. Chú sẽ làm cho đến lúc nào không còn làm được nữa thì thôi. Tìm được đúng công việc và yêu công việc, mà công việc đó giúp kiếm được tiền là hạnh phúc, làm tới chết cũng chẳng thấy cực khổ gì, cũng chẳng cần quan tâm mấy đến chuyện tự do hay không tự do về tài chính.
Ở mình, cứ cái gì mơi mới người ta cũng hay nói quá về nó và làm quá đâm ra lố. Chuyện tự do tài chính cũng vậy, rất dễ đưa đến các bẫy đa cấp, lùa gà vào đầu tư ảo và thay vì đạt được tự do tài chính thì phần đông những người đi theo những lời dẫn dụ tự do tài chính thường sẽ nợ ngập đầu và phải cày sấp mặt để trả nợ, thậm chí ba mẹ, con cái phải bán nhà để trả nợ giúp.
0 Comments