Con đường từ Miri đi Bintulu lẽ ra là bay luôn. Nhưng thấy ra chờ máy bay cũng mất mấy giờ đồng hồ. Nên thay vì vật vờ sân bay sau quá nhiều chặng bay bữa giờ thì ngồi xe ngắm phố phường, ngắm phong cảnh cũng là điều thú vị.
Ra khỏi Miri với tốc độ rùa bò do những công trình xây dựng còn đang ngổn ngang. Tuyến cao tốc mới chỉ được xây dựng được một bên nên chỉ có thể chạy 50km/h trở lại. Đường xấu thật. À. Muốn có đẹp, hiện đại thì phải mất thời gian thôi. Rồi sẽ sớm có đường đẹp chạy bon bon. Chỉ là mình đi ngay dịp làm đường thì phải chịu.
Cũng như nhiều nước khác. Đường cao tốc không có quá nhiều nhà dân hai bên. Có thể là do họ chọn lựa khu vực ít dân để làm đường. Hoặc họ cấm, không để dân cứ thấy đường là lao vào chiếm đất như ở đâu đó. Nên khi các tuyến đường đưa vào sử dụng sẽ hạn chế tai nạn giao thông đáng tiếc. Nhà nước cũng sẽ dễ dàng hơn khi muốn mở rộng đường ra thành nhiều làn xe.
Thỉnh thoảng cậu lái xe chỉ những ngôi nhà như các chung cư mini hay các tòa nhà tập thể và giới thiệu đó là những nơi người ta tập trung những người dân sở tại để quản lý cho dễ. Ai vào đó ở thì được cấp cho nhiều ưu đãi. Cậu tài xế nhận xét, hầu hết những người bản xứ ở đó ít chịu làm ăn hơn nên nói chung thì kinh tế vận hành chủ yếu vẫn do người gốc Hoa là chính.
Đi nhiều nơi, thấy người Hoa họ giỏi thật. Chỗ nào trên các ngóc ngách trên thế giới này cũng đều có họ. Ở các thành phố xa lơ, xa lắc ở Châu Mỹ cũng dễ dàng tìm ra những nhà hàng, quán ăn, những tiệm bán đồ tạp hóa của người Hoa. Họ tạo nên những cộng đồng nương tựa nhau cùng làm ăn, giúp đỡ nhau làm ăn và rất đoàn kết để cùng phát triển. Điều này ít thấy hơn ở các cộng đồng người Việt mình.
Xe xuyên qua mấy cánh rừng. Mình thích rừng ở Sarawak. Trên máy bay nhìn xuống toàn bộ Sarawak được bao bọc bởi những rừng là rừng. Khoảng xanh như vô tận. Đi xuyên qua rừng không quá nhiều cây to lớn (chắc mình chưa đi vào rừng sâu) nhưng chỉn chu và ngăn nắp. Rừng cây cọ cũng là đặc sản ở hòn đảo này.
Những năm trước đây mình đã từng vận chuyển rất nhiều các loại cám cọ, than cọ từ Malaysia về Việt Nam và Thailand. Sau ở Việt Nam người ta ít dùng cám cọ nữa mà thường nhập cám dừa từ các nước Nam Mỹ về để làm thức ăn cho gia súc. Chỉ còn than cọ vẫn lai rai.
Xe ngừng giữa đường để vệ sinh và ăn uống nếu đói. Có vài trạm dừng chân đông và nhộn nhịp chẳng khác ở Việt Nam là mấy. Vệ sinh cũng ở mức dưới trung bình một chút. Chứ không đẹp như nhiều trạm dừng chân ở Bắc Mỹ. Ở đó có trạm được sở hữu bởi một công ty nhưng hình. Công ty NGU. Hihi mình thấy ngộ ngộ vậy nên chụp chơi thôi. Chắc chắn NGU đó không có nghĩa như tiếng Việt mình rồi.
Đường vào Bintulu xe chạy êm ru. Nhưng vào đến trung tâm thành phố thì lại ngổn ngang các công trình xây dựng. Mấy anh bạn ở Miri và cả mấy người bạn ở Bintulu bảo, thành phố này đang phát triển rất mạnh. Hai thành phố lớn nhất là Kuching và Miri đã bảo hòa rồi. Thời điểm này là Bintulu.
0 Comments