Hot Posts

6/recent/ticker-posts

Khai trường ở nơi khác người ta làm sao?

Con gái mình vừa vào lớp 8. Cách ngày khai trường 5 ngày, cô giáo chủ nhiệm gửi email và gọi điện thoại tự giới thiệu mình rồi hỏi con mày có thay đổi gì không? Có chuyển đi đâu không? Trong email, cô giáo cũng hỏi thêm là có cài phần mềm của sở giáo dục cho chưa, vì tất cả các thông tin giao tiếp giữa nhà trường và phụ huynh chỉ thông qua phần mềm đó. Cô cũng hỏi có cần đưa đón không? Vậy thôi.

Tất nhiên cô cũng không đòi hỏi phải có hộ khẩu thường trú hay tạm trú tại địa phương để có thể có suất vào lớp học. Cứ ở đâu thì học trường gần nhà đó thôi. Nếu không thích thì có thể chuyển qua trường khác.

Còn thủ tục khai trường chỉ đơn giản thông báo ngày giờ chào đón học sinh. Những gì cần thiết cho học sinh thì trường thông báo trên Website và phụ huynh tự trang bị chủ yếu là đồ ấm, giỏ xách mang đồ ăn. Tới ngày khai giảng thì cô hiệu trưởng ra tận cổng đón học sinh rồi cô giáo chủ nhiệm cầm tấm bảng ghi tên lớp và học sinh chỉ việc đến đúng lớp đó thôi.

Không có lễ và các phát biểu dài dòng, không có đồng phục, không có sách giáo khoa, không có cần trang bị bất cứ yêu cầu gì khác ngoài yêu cầu về sinh tồn (do thời tiết nhiều biến động). 

Khi học, học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 cũng chẳng cần điểm số gì cả. Nhưng học sinh học được rất nhiều thứ từ kỹ năng sinh tồn đến hầu hết các môn thể thao, từ tài chính cá nhân đến tư vấn nghề nghiệp. Đến lớp 9 là highshool nên bắt đầu làm quen các môn học của highschool nhưng đến lớp 10 thì điểm số mới được tính để vào đại học cho nên học lớp 9 cũng khá nhẹ nhàng. Cá biệt có một số trường giáo viên cho điểm số từ lớp 8 nhưng cũng không quá khắc khe làm nhụt chí bọn trẻ.

Tất nhiên, không có điểm số từ lớp 1 đến lớp 9 nên chẳng có học thêm gì cho lứa tuổi này cả. Chỉ có vài gia đình Việt Nam thấy con học nhẹ nhàng quá nên đăng ký cho con mình học online từ Việt Nam mà thôi.

Trong trường có đủ các thiết bị, máy móc cho tụi nhỏ thực hành hoặc chơi thể thao mà phụ huynh, học sinh không phải ủng hộ hay đóng góp tiền vào mua gì cả. Thư viện sách cũng đầy nhóc sách, ngoài ra còn thư viện cộng đồng nữa nên có yêu cầu sách gì cũng có mà không phải bỏ ra đồng tiền thêm nào để có sách cả, nếu sách bạn yêu cầu mà không có thì bạn gửi phiếu yêu cầu, họ sẽ tìm và chuyển đến thư viện đó cho bạn, có cả một số sách bằng tiếng Việt cũng có. 

Mỗi ngày cô giáo học gì thì phát cho học sinh một số giấy tờ kiên quan đến môn đó để tụi nhỏ học nhớ trong ngày đó thôi. Có người hỏi cô giáo sao không ra bài tập về nhà cho học sinh, cổ bảo đừng làm khổ nó, tụi nó học trong trường đủ rồi.

Cũng không có ban hội phụ huynh học sinh, cũng không bầu lớp trưởng mà các bạn ai cũng như ai. Cũng không có các loại phí cơ sở vật chất, phí công đoàn, phí bảo hiểm, phí in ấn, phí đi tham quan này nọ.

Ở trường, cứ vài tuần lại có những tiết học bên ngoài, đó là các tiết học ở ngoài rừng, các khu bảo tồn, bảo tàng… mà học sinh hay ba mẹ không phải đóng thêm phí gì cả. Nếu có yêu cầu gì thì cô giáo chủ nhiệm chỉ yêu cầu phụ huynh tình nguyện đi theo trông giúp bọn trẻ mà thôi. 

Cùng thời gian của con mình vào năm học mới, thì ở quê mình ở Việt Nam khá nhiều bạn nhỏ gia đình không có tiền để mua sách giáo khoa cho năm học mới. Mình thấy thương nên có mua một số bộ sách cho một số bạn nhỏ để các bạn có thể đến trường. Nhưng nhìn hình ảnh mọi người chụp các con phải sắc màu, phải đồng phục, phải ngồi nghe các cô các bác phát biểu thấy tội tội làm sao. Giá như ở mình người ta bớt các thủ tục rườm rà, bớt làm tiền từ đồng phục, bớt làm tiền từ sách giáo khoa cho tụi nhỏ thì đỡ biết mấy nhỉ? 



Post a Comment

0 Comments