Khái quát chung về logistics
Logistics là hoạt động vận chuyển, lưu kho, bãi, thực hiện các thủ tục theo quy định của nhà nước để phục vụ cho việc buôn bán hàng hoá và sự dịch chuyển của con người.
Logistics là mạch máu của một nền kinh tế. Một đất nước muốn phát triển, logistics của họ không thể không phát triển. Bởi logistics chi phối toàn bộ quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng.
Khái niệm về logistics chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng những năm 2000 trở lại đây. Điều này chứng tỏ chuyên ngành này hãy còn mới mẻ đối với Việt Nam và việc vẫn còn những khoảng cách vênh nhau giữa hoạt động đào tạo và sử dụng lao động là điều không quá khó hiểu. Việc hiểu rõ từng khái niệm trong cả chính sách và thực tế hãy còn chưa được chuẩn cho lắm là điều không tránh khỏi.
Thực tế tại Việt Nam
Tổng giá trị mà ngành logistics mang lại cho nền kinh tế khoảng 21%-25% GDP quốc gia. Đây có thể nói là một ngành siêu lợi nhuận nhưng đang bị bỏ lỡ ở Việt Nam khá nhiều năm. Tuy thời gian gần đây có những chủ trương lớn của chính phủ đầu tư đưa vào thành mũi nhọn, nhưng những gì thực tế diễn ra vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Có một thực tế là hiện tại đang có sự vênh nhau rất lớn giữa đào tạo chuyên ngành logistics và các chính sách về ngành logistics đang được áp dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện nay.
Đào tạo đang chú trọng những gì?
Điểm qua một số quảng bá tuyển sinh từ các trường đại học hiện tại có đào tạo về ngành logistics hiện nay có thể thấy rằng hầu hết các trường chú trọng chỉ là kho bãi, quản lý cảng, nhân viên bán hàng là chính.
Là người chuyên sử dụng lao động được đào tạo từ chuyên ngành logistics và luôn nhận nhân sự được đào tạo từ các trường có đào tạo nhân lực logistics, người viết nhận thấy rằng hầu hết các sinh viên mới ra trường đều không đáp ứng được công việc mà họ buộc phải được đào tạo lại mới có thể làm việc được. Những gì họ học được ở trường chỉ là những kiến thức chung rất cơ bản và chưa mang tính thực tế. Điều này gây nên sự lãng phí ghê gớm cho nền kinh tế và cả cho kinh tế gia đình nói riêng.
Có một thực tế là nhân sự đang giảng dạy tại các trường đại học hiện nay về mảng logistics hầu hết là những người đã và đang làm việc trong các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan giao nhận hàng hoá và những sinh viên xuất sắc của trường được ở lại trường để giảng dạy. Thường thì những người này chỉ có kiến thức chuyên sâu về mảng của họ. Họ không có khái niệm cơ bản chuyên sâu về logistics nói chung, vốn là đặc điểm nhận dạng của ngành này.
Cũng có nhiều người đã học từ các nước phát triển trở về để mong muốn ứng dụng các kiến thức đã học của mình vào môi trường giáo dục chuyên ngành logistics tại Việt Nam. Tuy nhiên, các kiến thức của họ đã học dựa trên nền tảng nền kinh tế đã phát triển. Nó khác rất nhiều so với những thực tế đang diễn ra tại Việt Nam. Bằng chứng là họ sẽ không có những khái niệm về các chi phí không tên phát sinh trên đường giao thông tại Việt Nam chẳng hạn, hoặc chi phí lót tay tại các khâu xử lý hải quan cũng là điều nhạy cảm.
Nhân lực vừa thiếu lại vừa yếu.
Có thể thấy rất rõ, chính vì thiếu sự đào tạo từ những nhân sự tốt nên nhân lực đầu ra của ngành này hiện tại chất lượng khá yếu là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, có lẽ có một nguyên nhân nữa là do phải học khá nhiều các kiến thức khác không thực tế cho nên khi ra trường chuyên môn của họ vẫn không thể đáp ứng được công việc.
Thời gian đào tạo là quá dài. Nếu những lĩnh vực như nhân viên xuất nhập khẩu, giao nhận, kho bãi… chỉ cần nhân viên có trình độ ở mức trung học nghề hoặc cao đẳng thì hiện tại ở mình họ được đào tạo ở bậc đại học với tổng thời gian học là bốn năm và ra trường buộc phải được đào tạo lại mới đáp ứng nhu cầu. Đây là điều lãng phí rất lớn.
Thực tế chính sách đang ra sao?
Đội tàu biển Việt Nam tại trang đăng kiểm thống kê hiện nay có khoảng 1200 chiếc với tổng trọng tải khoảng 11 triệu tấn trong đó có khoảng 48 tàu chở container sức chở khoảng 40 ngàn TEU với tổng trọng tải khoảng 550 ngàn tấn. Đội tàu sông pha biển có khoảng 1200 chiếc nữa với công suất vận tải khoảng 3 triệu tấn. Cả nước có hơn 400 ngàn xe hoạt động vận tải được đăng ký.
Các chính sách thực tế của Việt Nam lại đang dành sự ưu tiên rất nhiều cho các hoạt động tàu hàng rời. Bằng chứng là luật hàng hải chủ yếu là các quy định, các điều luật tác động trực tiếp lên các tàu hàng rời rất cụ thể. Trong khi đó tất cả các luật hiện tại đang ảnh hưởng lên toàn ngành Logistics chưa có tính hệ thống và cụ thể trong một luật cụ thể nào đó mà là một chuỗi rất nhiều văn bản pháp luật mà nếu không phải người trong chuyên ngành rất khó khăn trong việc tìm hiểu.
Cho dù Việt Nam tham gia rất nhiều các FTA với mục tiêu hội nhập để phát triển kinh tế. Song, trong thực tế hiện tại, các FTA này đều chưa phát huy hết các ưu đãi của mình. Trái lại, đang đạt nhiều ưu đãi và thúc đẩy sự phát triển của các nước đối trọng trong mối quan hệ FTA hơn là Việt Nam.
Các yếu tố về pháp luật cũng như thực thi pháp luật vẫn còn đang quá hạn chế. Ví dụ chi phi phí Logistics vẫn đang còn quá cao so với nhiều nước trong khu vực.
Trong khi đó chi phí Logistics của Trung Quốc đang hỗ trợ sản phẩm của họ tiếp cận thị trường thế giới là cực kỳ hiệu quả, có thể đơn cữ các đơn hàng của họ có thể giao miễn phí từ Trung Quốc qua Mỹ, Canada chỉ trong thời gian chưa đến vài tuần với giá trị đơn hàng rất nhỏ bé đôi khi chỉ có giá trị đâu đó vài chục USD. Chưa kể các đơn hàng Trung Quốc qua Việt Nam thậm chí còn rẻ và nhanh hơn các đơn hàng nội địa Việt Nam của các doanh nghiệp nội địa ở mình.
Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022, quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, ngoài nhiều chức năng quan trọng khác, Bộ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về “thương mại trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới; dịch vụ logistics; phát triển thị trường ngoài nước; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế”. Có thể thấy được là nhà nước đã thấy rõ những điểm chưa hợp lý trong cơ cấu phát triển của Logistics hiện tại nên đã cố gắng tổ chức hợp lý hơn. Tuy nhiên, từ các văn bản đến thực tế hãy còn là một quản đường rất xa.
Thực tế
Tuy cơ cấu đội tàu của Việt Nam ưu tiên hơn về tàu vận chuyển hàng rời hơn là tàu vận chuyển container. Tuy nhiên, nhân sự ngành logistics không chỉ phục vụ cho mỗi đội tàu của Việt Nam, mà họ còn phục vụ trong rất nhiều trong các hoạt động khác của doanh nghiệp. Họ có thể làm nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên khai hải quan, nhân viên kho bãi, nhân viên điều hành vận tải, nhân viên lái xe tải… đặc biệt là nhân viên hoặc quản lý mua bán cước.
Hơn nữa, có đến 90% lượng hàng hoá xuất nhập khẩu hiện nay là phải đi qua các hãng vận tải nước ngoài. Do đó nhân sự phục vụ cho những doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài hoặc các đại lý cho họ tại Việt Nam là rất lớn. Đó là chưa kể một số lượng khá lớn các freelancers trong ngành này cũng đang hoạt động có hiệu quả cho các doanh nghiệp ở nước ngoài mà không thực sự xác định họ thuộc doanh nghiệp hay tổ chức nào tại Việt Nam cả.
Vì sao xảy ra sự mất cân đối đó?
Khái niệm Logistics ở Việt Nam hãy còn khá mới mẻ
Nguyên nhân là do thiếu nhân lực để đào tạo. Hầu hết những người đang hoạt động trong lĩnh vực tàu hàng rời, những người đang đầu tư và quản lý trong lĩnh vực tàu hàng rời hiện đều là những người thực chiến. Họ không được đào tạo cơ bản nên hầu hết phải tự đào tạo bằng cách tự học. Họ học qua các tài liệu mua từ nước ngoài, những tài liệu mà hầu như chưa thấy xuất hiện tại các thư viện các trường đại học chuyên đào tạo lĩnh vực này. Sự thiếu hụt nhân lực đào tạo như vậy thì khả năng đào tạo ra nguồn nhân lực có hiệu quả là bất hợp lý.
Có lẽ sự thiếu quan tâm của nhà nước vào ngành này trong một thời gian dài còn có nguyên nhân là sự chưa hiểu thấu đáo về tầm quan trọng của ngành đối với nền kinh tế. Cho dù đã có nhiều ý kiến của rất nhiều chuyên gia xác định rằng Logistics là mạch máu của nền kinh tế.
Làm sao để có tiếng nói chung giữa đào tạo và chính sách để ngành Logistics Việt Nam cất cánh?
Mỗi năm đến kỳ tuyển sinh, rất nhiều bạn trẻ lên các diễn đàn đưa ra rất nhiều các câu hỏi để được tư vấn về chuyên ngành Logistics giúp các bạn như: học ngành Logistics có dễ tìm được việc không? Học ra để làm gì? Có mức lương là bao nhiêu?… Các câu trả lời cũng là khá chung chung về một ngành nghề có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của kinh tế đất nước. Như vậy sẽ không thu hút được đội ngũ các nguồn nhân lực có năng lực tốt. Muốn vậy thì cần các chương trình đào tạo cụ thể hơn rất nhiều. Đào tạo thực tế đúng và đủ các kiến thúc để ra phục vụ riêng ngành thôi.
Cần phải có những người có chuyên môn đang hoạt động trong lĩnh vực Logistics tham gia vào công tác giảng dạy tại các trường Cao Đẳng và Đại Học có các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực này. Bởi chỉ có chính họ mới có được bức tranh toàn cảnh và hậu trường đầy những thực tế mới có thể hướng dẫn và truyền thụ lại cho sinh viên những kiến thức thực tế đó.
Cần tập trung các văn bản luật thành các bộ luật dành riêng cho ngành này, tránh giàn trải gây rất nhiều khó khăn cho việc tìm hiểu và thực thi một cách đầy đủ và trọn vẹn. Hơn nữa, sự cụ thể này có thể mang lại nhiều sự tiện lợi hơn cho sự phát triển ngành.
La Quang Trí
0 Comments