Hot Posts

6/recent/ticker-posts

Học gì để không thất nghiệp?

Con trai mình đang nộp hồ sơ một số trường đại học. Mình cũng dành thời gian cùng con tìm hiểu các ngành nghề, các trường từ thấp đến cao. Rồi mình cũng trao đổi với một số phụ huynh, cả ở VN và các nước khác. Nói chung, ở đâu cũng vậy, đều lo lắng chuyện con học ngành gì, ra trường có dễ xin việc không?
Mình cũng tham gia nhiều diễn đàn của các trường đại học, cao đẳng hay các diễn đàn ngành nghề và thấy rằng hầu hết nỗi lo thường trực của các bạn học phổ thông thì lo học ngành gì, nghề gì và trường nào để dễ xin việc. Hồi những năm 90, thế hệ mình ra trường thì chỉ lo cạnh tranh giữa những người cùng tốt nghiệp cùng đợt với nhau. Hồi đó việc ít nên như vậy đã là rất khó khăn rồi. Những năm gần đây, thì ngày càng nhiều việc hơn, nhưng không chỉ con người cạnh tranh với nhau mà còn có nhiều nổi lo của máy móc, robot, trí thông minh nhân tạo IA cạnh tranh với con người nữa.
Như vậy thì học gì để không thất nghiệp? Thực ra câu hỏi này chỉ đúng ở một khía cạnh rất nhỏ hẹp trên con đường xây dựng sự nghiệp sau này. Câu hỏi đúng mà các bạn học sinh nên hỏi đó là nên hỏi chính mình rằng: Học cái gì phù hợp với mình và học với thái độ như thế nào?
Thực sự ngoài cuộc sống, các bạn có thể thấy rất rõ là ở bất cứ lĩnh vực nào, ngành nghề nào cũng có nhiều người rất thành công. Họ thành công không chỉ về tài chính, tiền bạc mà còn ở địa vị trong xã hội. Các bạn có thể search thử David Duong vua rác ở Mỹ, Hồ Vĩnh Căn ở China, và nhiều người khác, họ đã rất thành công từ nghề rác thải mà hầu hết chúng mình nghe đến thì phản ứng ban đầu là đều bịt mũi.
Nhiều người ở Việt Nam hay coi thường các nghề tay chân như làm nail, mở nhà hàng nhỏ… nhưng thực sự cộng đồng người Việt ở nước ngoài họ phát triển nghề nail, nhà hàng hay trà sữa thành những đế chế thực sự. Thử search thông tin nghề nail ở Mỹ hàng năm tạo ra bao nhiêu lợi nhuận thì sẽ thấy khủng khiếp cỡ nào?
Ở Việt Nam cũng vậy, trước mình có viết rất nhiều tấm gương rất có tâm trong công việc của họ, cho dù các công việc đó không được người đời đánh giá cao nhưng họ đã kiếm được rất nhiều tiền và giúp ích được rất nhiều người khác, chưa kể là cái nghề của họ, doanh nghiệp của họ giúp ích rất nhiều cho xã hội.
Còn chuyện các máy móc, robot, IA gì gì đó nếu có chiếm được công việc của mình thì cũng không thể một sớm một chiều. Nếu có kỹ năng tốt, khả năng thích ứng cao do thái độ đúng của mình với nghề nghiệp của riêng mình thì vẫn luôn có việc để làm. Khả năng thích ứng đó có thể là ứng dụng các tiến bộ mới trong khoa học kỹ thuật vào trong nghề nghiệp để phát triển hơn.
Hồi xưa Facebook, Youtube mới ra đời, trong khi rất nhiều người chỉ ngồi phân tích mọi thứ thiệt hơn, lợi hại của các ứng dụng này thì rất nhiều người khác lấy nó làm môi trường cho họ kiếm được rất nhiều tiền. Giờ các ứng dựng IA cũng vậy, chẳng hạn chatGPT vừa ra đời, nhiều người chỉ chê bai rằng nó vô bổ, không chuẩn, hay coi thường nó, nhưng bên cạnh đó nó đã tạo nên một cộng đồng cực khủng mà dựa vào nó cộng đồng này kiếm được rất nhiều tiền.
Chung quy lại, công việc nào miễn đem lại lợi ích cho mình và người khác thì đều tốt. Không có nghề sang hèn mà chỉ có người kén cá chọn canh do không có thái độ đúng với nghề nghiệp của mình mà thôi. Khi có thái độ tốt với ngành nghề của mình thì kể cả IA, máy móc, robot gì không thể thay thế được mà nó chỉ mang lại thêm cơ hội mà thôi.

Post a Comment

0 Comments