Hot Posts

6/recent/ticker-posts

Vận tải biển đã có vài tín hiệu tốt hơn

Ngành vận tải biển năm 2018, có những người lặng lẽ rời sàn chứng khoán, có doanh nghiệp bị hủy niêm yết, cảnh cáo nhiều lần. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp có báo cáo tài chính khá đẹp dù các năm trước là rất khó khăn.

Thị trường vận tải biển có những chuyển biến theo hướng tích cực hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân. Ảnh minh họa Thành Hoa
Những người lặng lẽ
Kết quả kinh doanh không tốt lắm trong những năm gần đây, nhất là việc tái cơ cấu lại các phương án tài chính không được hiệu quả, nên vài doanh nghiệp đã lặng lẽ rời sàn và chuyển qua giao dịch trên Upcom. Đó là các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST), Công ty cổ phần Vận tải Biển Bắc, Công ty cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP), Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu (SSG)...
Hiện tại các doanh nghiệp như Vinaship, Biển Bắc, Hải Âu tuy cổ phiếu đã bị hủy niêm yết trên hai sàn chính thức nhưng vẫn còn hoạt động kinh doanh trên thị trường khá sôi động.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém, chẳng hạn như Công ty cổ phần Vận tải biển và Thương mại Phương Đông năm 2018 lỗ ròng trên 336 tỉ đồng. Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thì kế hoạch trong năm 2018 là lỗ 2.885 tỉ đồng, nhưng do đến nay vẫn chưa công bố được báo cáo tài chính, nên chưa có con số thực. Hay Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, dù đã giảm được lỗ so với kế hoạch nhưng mức lỗ của cả năm ngoái vẫn trên 255 tỉ đồng.
Và thoát lỗ
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) lợi nhuận sau thuế năm nay đạt hơn 245 tỉ đồng. Đây là cú bật dậy bất ngờ sau nhiều năm thua lỗ kéo dài. Sau khi có nhiều nỗ lực cơ cấu lại tài chính, bán bớt tàu, giảm đến 50% tổng trọng tải, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp đang thua lỗ kéo dài..., doanh nghiệp có báo cáo tài chính khá “đẹp”. Năm 2019 doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 12.714 tỉ đồng.
Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cũng đã thoát lỗ sau thời gian dài lận đận. Năm 2018 doanh nghiệp đã có lãi 14,5 tỉ đồng. Con số tuy nhỏ nhưng đây là cố gắng rất đáng ghi nhận của doanh nghiệp sau quá trình cơ cấu tài chính và cân đối lại đội tàu của mình.
Công ty cổ phần Hợp tác lao động với nước ngoài (ILC) bị hạn chế giao dịch và hủy niêm yết cổ phiếu năm 2014. Sau những cố gắng nhiều năm liền, năm nay 2018 công ty đã báo cáo lãi hợp nhất là hơn 8 tỉ đồng.
Những doanh nghiệp vẫn tiến bước
Công ty cổ phần Âu Lạc dù kết quả kinh doanh quí 4-2018 lỗ chút ít, nhưng tổng kết năm 2018 doanh nghiệp này cũng lãi đến 11,5 tỉ đồng. Còn Công ty cổ phần Vận tải biển Sài Gòn - Saigonship, sau khi bán tất cả tàu, chỉ giữ lại các mảng dịch vụ thì doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh khá tốt những năm gần đây. Riêng năm 2018 doanh nghiệp có lãi hơn 20 tỉ đồng.
Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans) vẫn giữ phong độ như mấy năm gần đây, với mức lãi 780 tỉ đồng trong năm 2018. Công ty cổ phần Dịch vụ Vận tải và Thương mại - Transco, tiếp tục có lãi với 1,2 tỉ đồng. Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu (Vipco) lãi hơn 81 tỉ đồng. Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vitaco lãi năm nay 26,5 tỉ đồng. Công ty cổ phần Vinafco lãi 19,4 tỉ đồng. Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 136,6 tỉ đồng...
Có thể nhận thấy thị trường vận tải biển có những chuyển biến theo hướng tích cực hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân khi mỗi năm con số lời được báo cáo càng tăng.
Các doanh nghiệp vận tải biển tư nhân chưa lên sàn hiện vẫn duy trì kinh doanh và phát triển đội tàu của mình khá tốt như Công ty Hàng hải và Xuất nhập khẩu HTK, Công ty TNHH Vận tải biển Tân Bình, Công ty cổ phần Vận tải biển quốc tế Bình Minh, Công ty cổ phần Vận tải biển Khai Nguyên, Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Mê Kông, Công ty cổ phần Vận tải biển Trường Phát Lộc, Công ty cổ phần Nhật Việt (Viet Sun), Công ty TNHH Sago Lines...
Một số công ty nhỏ hơn vẫn gặp nhiều khó khăn trong những năm qua do thị trường ngày càng khó khăn và phức tạp. Dù đã có nhiều thay đổi về nhân sự, thay đổi cả pháp nhân nhưng hầu hết đó chỉ là những thủ thuật kinh doanh.
Thị trường cũng chứng kiến xu hướng tự đầu tư tàu để vận chuyển hàng hóa riêng cho doanh nghiệp của mình như các công ty kinh doanh dăm gỗ, dầu khí, xi măng.
Những năm qua, một số doanh nghiệp sau khi kinh doanh không thuận lợi với các tuyến quốc tế đã đưa tàu trở về đăng ký giảm cấp để chạy tuyến ven biển, giảm bớt chi phí quản lý và khai thác tàu nên dần gặt hái được kết quả tốt. Cũng có những doanh nghiệp đã đóng mới đội tàu chuyên chạy ven biển và kinh doanh rất hiệu quả. Nhất là các doanh nghiệp chuyên về vận chuyển container nội địa. Đây là mảnh đất khá màu mỡ hiện nay trong khi thị trường vẫn còn chưa có nhiều lắm những thuận lợi.
La Quang Trí Giám đốc ShipOffer Corp.

Post a Comment

0 Comments