Ở Việt Nam hay có một số sản phẩm của các thương hiệu nước ngoài, hay cả các thương hiệu trong nước in trên nhãn mác: Chỉ dành riêng cho thị trường Việt Nam.
Người ta in câu đó trong 2 trường hợp:
1. In lên sản phẩm để ngăn chặn việc buôn bán sang một thị trường khác nơi có giá cao hơn, làm rối loạn thị trường.
2. Sản phẩm có phẩm cấp chất lượng khác biệt so với phẩm cấp chất lượng bình thường mà người ta bán, cung cấp cho những thị trường nào đó.
Thực tế ngày xưa ở Nhật người ta thường sản xuất những sản phẩm dành cho thị trường nội địa và để ưu tiên cho người dùng nội địa sử dụng sản phẩm tốt với giá tốt. Và họ đã nâng tầm chất lượng sản phẩm của mình lên rất cao và được sự ủng hộ của người dân. Điều đó giúp doanh nghiệp phát triển lớn mạnh.
Việt Nam, người ta làm hơi khác Nhật, hầu hết các sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam là những phiên bản sản phẩm có chất lượng kém hơn, sử dụng nguyên vật liệu có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thấp hơn, mà có những thứ những nơi khác cấm, không cho phép sử dụng.
Người ta tận dụng luật, nghiên cứu luật và khai thác triệt để các khe hở của pháp luật, hoặc vận dụng một cách hiểu khác về luật theo hướng có lợi cho mình, và tìm cách giảm chất lượng sản phẩm bằng cách thay đổi công thức chế tạo, hoặc thay đổi thành phần, nguồn gốc nguyên vật liệu, nhưng vẫn được xem là chấp hành đúng theo luật định.
Người ta cũng ứng phó với người thực thi luật, bất chấp luật qui định, tìm cách cắt bớt công đoạn sản xuất, thay thế nguyên liệu chính bằng những nguyên liệu khác rẻ tiền hơn, rồi sử dụng phụ gia hóa chất để tạo ra hương vị như sản phẩm sử dụng nguyên liệu thật. Khi có kiểm tra thì họ tìm các đi đêm với đoàn để được thông cảm mà cho qua.
Trong khi các doanh nghiệp ở các nước tuân thủ rất nghiêm ngặt nguồn nguyên liệu sử dụng, quy trình sản xuất, chất phụ gia được sử dụng nếu không họ có thể bị phạt, thậm chí phá sản thì qua Việt Nam với sự quản lý lỏng lẻo và tham nhũng họ trở nên mạnh hơn, đàng áp, tiêu diệt các doanh nghiệp nội địa làm ăn chân chính.
Một số doanh nghiệp nội địa lớn lên nhờ cơ chế, vây cánh nên coi thường người tiêu dùng, họ không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, nếu có phản ứng thì được hình sự hóa và bỏ tù khách hàng.
Kết quả là giờ chúng ta đang hưởng nhiều sản phẩm có giá cả cao hơn cả nước ngoài nhưng với chất lương thấp hơn nhiều. Từ những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao cho đến những thứ tiêu dùng hàng ngày. Ai từng đi nước ngoài nhiều sẽ thấy rõ, cùng loại sản phẩm bao bì giống nhau nhưng ở nước ngoài sẽ tốt hơn những thứ ta đang dùng ở Việt Nam.
Và giờ nhiều người hiểu biết và căn cơ chỉ chọn tiêu dùng đồ nhập khẩu. Những ai ít tiền mà lo cho sức khỏe thì tự làm đủ thứ để tiêu dùng. Điều này có lẽ cũng là cách để làm cho những nhà sản xuất có trách nhiệm hơn, đạo đức hơn trong việc kinh doanh. Không thể kêu gọi lòng yêu nước bằng cách ủng hộ tiêu dùng sản phẩm bẩn và thiếu trách nhiệm được.
Với các sản phẩm nước ngoài dù được nhập hay sản xuất tại Việt Nam cũng cần được ứng xử công bằng cũng như các doanh nghiệp trong nước chứ không thể dành cho họ quá nhiều ưu đãi rồi coi thường dân/doanh nghiệp sở tại được.
Cơ quan hữu trách có cũng như không. Nếu ai đó có tâm thì họ đứng lên kêu gọi người tiêu dùng cần phải thông thái. Hay ghê, thất bại trong việc quản lý của mình và đổ lên đầu người dân. Đơn giản quá, có lẽ như vậy ai cũng có thể làm dễ dàng.
Thì đành vậy, người tiêu dùng cần thông minh hơn. Sản phẩm dùng riêng cho Việt Nam, những sản phẩm loại này cần được giám sát chặt chẽ hơn. Nếu có thể, người dùng nên/cần tẩy chay luôn bởi như đã phân tích ở trên, đó là cách tốt nhất để bảo vệ mình, bảo vệ người kinh doanh chân chính.
0 Comments