Trong kiếp phù sinh được buổi nhàn
Cuộc đời dài ngắn chẳng tày gang
Về đâu em hỡi người em gái
Có nhớ ngày xưa phút vội vàng?
Cuộc đời dài ngắn chẳng tày gang
Về đâu em hỡi người em gái
Có nhớ ngày xưa phút vội vàng?
Tôi đến vùng Ba Hòn, Kiên Lương, Kiên Giang năm 1998, trước đó nhà máy cement lớn hàng đầu đất nước khởi động được hơn 1 năm. Tôi đến vì công ty trúng thầu một dịch vụ quan trọng cho Holcim, gói thầu đó vẫn được thực hiện cho đến hôm nay sau khi tôi rời công việc này hơn 10 năm rồi.
Ngày mới đến lần đầu tiên vẫn còn ấn tượng với phong cảnh hùng vĩ của những núi đá sừng sững, đẹp mê hồn. Những lần sau đó có dịp đến tôi đều dành thời gian lang thang khắp vùng đất này để lưu lại những shot hình tuyệt đẹp của Ba Hòn với núi đá, Hang cá Sấu, Hang Mo So. Trèo núi đá ngắm nhìn phong cảnh khu vực này là cảm giác rất tuyệt vời. Những chuyến đi này bao giờ cũng có bóng dáng một người em gái nào đó.
Cũng cần phải nói thêm nếu chọn vùng đất nào để bình chọn là đẹp nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long thì Kiên Lương luôn phải nằm trên top đầu với những thắng cảnh nổi tiếng như Hòn Phụ Tử, Hòn Chông, Hòn Trẹm, Chùa Hang, Hang Mo So, làng đánh cá Ba Trại, Hòn Nghệ… chưa kể rất nhiều đảo nhỏ xung quanh tuyệt đẹp. Có hòn đảo sát bờ đến nổi có thể đi bộ qua khi nước ròng, bình thường thì bơi qua.
Trở lại chuyện các hòn núi, hồi đó chứng kiến hòn núi ngay thị trấn Kiên Lương bị san phẳng bởi nhà máy cement Hà Tiên và ngẩm nghĩ rồi đây những hòn núi tuyệt đẹp xung quanh nhà máy Holcim cũng sẽ chịu chung số phận. Có dịp nói chuyện, mấy anh có chức quyền bảo Holcim nó vào đầu tư đây chỉ khai thác được 50 năm, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống nhân dân... sau khi rời đi thế nào cũng để lại gia tài đồ sộ cho cho mình khai thác tiếp cho mà xem. Mình cứ cười, ừ rồi nó để cho anh nhiều thứ lắm.
Mà thật, từ đó đến giờ họ để lại là vùng đất này phát triển hơn, nhiều người đến đây lập nghiệp tạo nên những khu đô thị nửa vời, nhiều việc làm cho dân địa phương, thêm ngân sách cho Kiên Giang. Song có thứ lớn hơn đó là sau chỉ 20 năm mấy hòn núi sắp tà, có khi sau 50 năm sau thay vì Ba Hòn địa danh này sẽ đổi tên thành Ba Hồ. Nhà máy với công nghệ hiện đại hơn hơn 20 năm trước giờ thế giới bắt đầu hạn chế dùng rồi. Cả Trung Quốc mà giờ cũng đuổi dần các nhà máy cement đi qua các nước khác mà. Thì liệu đến đó có còn gì mà xài nữa không, hay chỉ là đống sắt vụn ngỗn ngang. Đó là chưa kể trước khi làm họ đã khảo sát kỹ lượng đá đó đủ dùng cho công suất nhà máy họ trong vòng 50 năm. Khi họ rời đi chắc chắn là hết sạch thì lấy gì khai thác nữa.
Tất nhiên, công cuộc phát triển nào cũng có gía của nó, mỗi cá nhân cũng vậy phải biết hy sinh một thứ gì đó. Đời người làm việc trung bình là 30 năm, 99 năm là 3 đời người làm việc. Nếu tính thế hệ thì đến 5 thế hệ. Giao đất hết cho người ta 99 năm kể như kệ tía thế hệ sau lấy gì ăn thì tùy, nhưng chắc rồi bọn con cháu sẽ có cách thôi. Mà Holcim là thằng tư bản đàng hoàng còn như vậy, những thằng cùi bắp đến từ Trung Quốc không biết rồi sẽ ra sao? Hay chỉ là cớ để chúng di dân? Thực ra 50 năm, 99 năm bao nhiêu năm quan trọng gì đâu, quan trọng là cách người ta vận hành ra sao? Và hơn nữa chuyện quyền tài phán của nước mình trên đất mình phải giao cho ngoại bang thì hơi căng. Cứ phát triển bằng cách đào tài nguyên, đào đất đai lên bán thì sẽ đến lúc con cháu không còn gì để đào, nó sẽ đào mả thế hệ này lên.
Trở lại chuyện Ba Hòn, dù sao mình cũng là một thằng góp 1 chút công sức vào gọt bằng mấy hòn núi đó, lúc đó đã nghĩ là phải chụp rất nhiều hình để kỹ niệm vì biết sau này không còn nữa. Vậy mà sau 20 năm sau nhiều lần dọn nhà mất tiêu hết luôn. Mất cùng với những ngọn núi đẹp bị san phẳng dần. Mất cũng giống như nhiều bóng hình đẹp xứ này từng hút hồn mình một thời đang phai dần trong ký ức của gã trung niên trí nhớ đang kém dần...
0 Comments